Sơ đồ tư duy môn Giáo dục công dân

Hải Bình | 29/01/2023, 07:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Trần Thị Mai, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) chia sẻ giải pháp giúp HS học tốt, vận dụng kiến thức hiệu quả môn Giáo dục công dân.

Những hạn chế thường gặp

Môn Giáo dục công dân là môn học bắt buộc trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Đề thi tốt nghiệp THPT với hình thức thi trắc nghiệm khách quan 100%, gồm bốn mức độ nhận thức như nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Trong đó, mức độ nhận biết và thông hiểu không những đòi hỏi học sinh phải nắm vững lý thuyết mà còn phải hiểu được vấn đề. Khi đã vững được lý thuyết mới có thể áp dụng để làm các bài tập ở mức độ nâng cao.

Tuy nhiên, thực tế qua quá trình giảng dạy môn Giáo dục công dân lớp 12 nhiều năm liền, cô Trần Thị Mai nhận thấy: Kết quả làm bài kiểm tra, thi cử của học sinh chưa được như mong muốn, các em hay gặp sai sót ở câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu.

Có nhiều nguyên nhân: Học sinh không nắm vững lý thuyết; không có phương pháp học phù hợp; chưa có những kỹ năng giải bài tập trắc nghiệm; chưa xác định được những từ khoá quan trọng trong câu hỏi, trong bài.

Cũng có nguyên nhân do chương trình học còn nặng về lý thuyết, không có nhiều tiết để làm bài tập, ôn luyện giúp học sinh làm quen với câu hỏi trắc nghiệm của môn học. Do phương pháp dạy học của giáo viên chưa hấp dẫn học sinh, còn nặng nề về lý thuyết. Học sinh chưa tự giải bài tập ở nhà, chưa tự giác tìm kiếm bài tập trên mạng, sách tham khảo mà còn trông chờ vào giáo viên. Giáo viên ít giao bài tập cho học sinh vì không có tiết sửa bài trên lớp, hoặc có giao học sinh cũng không tự giác làm…

Giải pháp với sơ đồ tư duy môn Giáo dục công dân ảnh 1
Sơ đồ tư duy bài "Pháp luật và đời sống".

Giải pháp với sơ đồ tư duy

Để khắc phục các hạn chế trong học và làm bài kiểm tra, thi cử môn Giáo dục công dân, cô Trần Thị Mai đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó có việc tăng cường trả bài cũ trên lớp bằng hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm. Sử dụng kỹ thuật tia chớp trong dạy học giúp học sinh nắm được từ khóa quan trọng trong bài. Giao bài tập trắc nghiệm ở nhà cho học sinh để rèn luyện. Hướng dẫn học sinh cách xác định từ khoá trong bài học, câu hỏi…

Theo cô Trần Thị Mai, một trong những giải pháp giúp học sinh tóm tắt nội dung bài học theo từ khoá, giúp bài học ngắn gọn hơn, dễ học, dễ hiểu và nắm được bài lâu hơn là sử dụng sơ đồ tư duy.

Với giải pháp này, cô Trần Thị Mai chia sẻ cách thực hiện như sau:

Giáo viên tổ chức các hoạt động trên lớp như thường lệ, sau đó kết luận và yêu cầu tóm tắt nội dung bài học bằng sơ đồ tư duy. Với mỗi nội dung kiến thức, yêu cầu học sinh nêu được những từ khoá quan trọng.

Sau đó, giáo viên hướng dẫn học sinh học bài theo sơ đồ tư duy bằng cách đặt các câu hỏi trắc nghiệm dựa trên các từ khoá trong sơ đồ tư duy và cho học sinh trả lời.

Đến giai đoạn luyện tập củng cố, giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài tập trắc nghiệm, yêu cầu các em phải xác định được từ khoá trong câu hỏi và chọn đáp án đúng dựa trên từ khoá có trong sơ đồ tư duy.

Khi xây dựng các đề kiểm tra, giáo viên xây dựng hệ thống câu hỏi kiểm tra, đánh giá dựa trên hệ thống từ khoá trong sơ đồ tư duy, hướng dẫn học sinh các phương pháp, mẹo làm bài tập.

Trên lớp, giáo viên tăng cường kiểm tra bài cũ bằng hình thức hỏi nhanh, đáp lẹ. Với hình thức trả bài này, chỉ khi học sinh nắm kỹ bài, thuộc được từ khoá mới có thể trả lời nhanh theo yêu cầu.

Trong giai đoạn ôn tập thi tốt nghiệp, giáo viên tổ chức cho học sinh giải đề thi các năm trước và đối với mỗi câu hỏi, yêu cầu học sinh phải gạch dưới các từ khoá quan trọng và chọn ra đáp án. Khi các em tự giải bài tập ở nhà, có thể nhìn vào từ khoá đó và biết mình sẽ chọn đáp án nào.

Với cách thực hành liên tục như thế, học sinh sẽ ghi nhớ rất lâu bài học của mình và quan trọng sẽ giúp học sinh tránh được tâm lý nhàm chán khi phải học quá nhiều lý thuyết.

Giải pháp với sơ đồ tư duy môn Giáo dục công dân ảnh 2
Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa làm việc nhóm trong giờ học.

Phối hợp hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật dạy học

Theo cô Trần Thị Mai, nếu giáo viên không kết hợp thêm nhiều phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học khác, học sinh không tích cực, chủ động, tự giác trong học tập thì cũng không thể nâng cao kết quả làm bài.

Sơ đồ tư duy là công cụ lý tưởng cho việc giảng dạy và trình bày các khái niệm trong lớp học, giúp học sinh dễ nhìn, dễ viết, tiếp nhận bài học một cách tổng quan và chính xác.

Học sinh cần phải thường xuyên học bài, tăng cường giải bài tập, tích cực xây dựng bài trên lớp, giáo viên tăng cường kiểm tra bài cũ cho các em, giao bài tập thực hành sau các tiết dạy để học sinh thực hiện thì mới đem lại kết quả cao.

Giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp, hình thức và kỹ thuật giảng dạy, tạo được hứng thú cho học sinh khi học bộ môn.

Ngoài các tiết dạy trên lớp, giáo viên soạn thảo thêm hệ thống bài tập trắc nghiệm giao cho học sinh thực hiện, giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng làm bài.

Giáo viên có thể ứng dụng các phần mềm dạy học trực tuyến để giao bài tập cho học sinh, kết hợp chấm và sửa bài cho các em ngay trên phần mềm.

Bài liên quan
Ứng dụng sơ đồ tư duy để hướng dẫn học sinh hệ thống kiến thức
Trong buổi tập huấn, kỷ lục gia Siêu trí nhớ Thế Giới đầu tiên tại Việt Nam - Nguyễn Phùng Phong hướng dẫn cán bộ, giáo viên ứng dụng sơ đồ tư duy trong việc dạy học để học sinh ghi nhớ nhanh kiến thức.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơ đồ tư duy môn Giáo dục công dân