Quyền và trách nhiệm

Thảo Đan | 19/04/2022, 14:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lứa học sinh (HS) lớp 9 năm nay rất đặc biệt, bởi các em là những người đầu tiên thụ hưởng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp THPT.

Ảnh minh họa/INTẢnh minh họa/INT

Bởi vậy, bên cạnh cố gắng, nỗ lực mà các anh chị đi trước đều phải trải qua - để thi (hoặc xét tuyển) vào một trường THPT phù hợp - các em còn có một trải nghiệm chưa tiền lệ: Được lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này.

Vì chưa có tiền lệ, nên hơn lúc nào hết, các em rất cần sự hỗ trợ, đồng hành, tư vấn, định hướng của cả gia đình và nhà trường để đưa ra quyết định quan trọng đầu tiên trong bậc học THPT. Cũng bởi vậy, nhiệm vụ của các trường THPT trong giai đoạn tuyển sinh năm nay sẽ phát sinh những công việc mới: Khảo sát ý kiến người học; xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn, chuyên đề học tập và công khai rộng rãi trước khi thông báo tuyển sinh…

Nhiều trường còn tổ chức các buổi tư vấn bài bản cho HS, phụ huynh trước khi khảo sát và sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh, giúp người học có được lựa chọn phù hợp nhất. Kế hoạch tuyển sinh năm học 2022 - 2023 một số trường THPT công bố cho thấy sự khác biệt rất rõ ràng so với mọi năm khi có thêm phần rất mới: Phương án tổ chức môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lớp 10…

“Giai đoạn này truyền thông là quan trọng số 1, vì nhiều HS THCS còn mơ màng về định hướng nghề nghiệp” - đây là điều thầy Lê Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Quảng Trị) nhấn mạnh khi chia sẻ về việc lựa chọn môn học ở THPT.

Quả đúng là như vậy, HS sẽ không thể đưa ra lựa chọn đúng nếu các em không thấu hiểu mình có những cơ hội lựa chọn nào, quyền và trách nhiệm khi lựa chọn tổ hợp môn học ra sao? Các em cũng cần hiểu rằng, sẽ có nhiều hệ lụy nếu lựa chọn môn học không phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai. Việc đổi sang định hướng khác (ví dụ từ định hướng khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên) là vô cùng khó khăn, bởi HS sẽ phải học lại hầu hết các môn lựa chọn ở lớp 10 mà trong khoảng thời gian hè khó có thể hoàn thành…

Nhiều thầy cô cũng lưu ý học trò của mình: Tuyệt đối không nên thấy môn học khó thì tránh, chỉ chọn những môn học dễ trước mắt cho nhẹ nhàng đối với bản thân, hoặc theo trào lưu tâm lý bạn bè, đám đông. Nội dung các môn học trong Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo hướng nhẹ nhàng, gắn kiến thức với giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống và rèn luyện kỹ năng sống. Vì vậy, HS không nên có tư tưởng ngại khó dẫn đến chọn môn học không phù hợp.

Cần nhấn mạnh: Việc lựa chọn tổ hợp môn học không thể tách rời định hướng nghề nghiệp; bởi học ở THPT chính là bảo đảm để HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng… Bên cạnh xác định đúng nhu cầu, năng lực nghề nghiệp, HS lớp 9 phải tiếp cận sớm, phong phú, đa chiều về các thông tin thị trường lao động, nghề nghiệp tương lai; phải xác định cho mình một số ngành nghề nhất định để làm cơ sở cho việc lựa chọn môn học. Bởi vậy, phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng sẽ là kênh tham khảo rất quan trọng để HS đưa quyết định cuối cùng.

Việc HS THPT được lựa chọn môn học là mới ở Việt Nam, nhưng không phải mới trên thế giới. Như tại CHLB Đức, chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam), chương trình THPT tại Đức phân hóa nhưng không phân ban cố định; HS được chọn tự do hơn phân ban, tuy nhiên cũng phải căn cứ vào khả năng đáp ứng của nhà trường.

Các trường tất nhiên không thể đáp ứng hết lựa chọn của người học, nhưng có tư vấn cho HS để bảo đảm đáp ứng tối đa trong khả năng của trường… Mô hình này vận hành khá trơn tru ở Đức. Với những nỗ lực chuẩn bị bài bản, trên tinh thần vì người học của các trường THPT hiện nay, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, mô hình này cũng sẽ được triển khai tốt ở Việt Nam sau những bỡ ngỡ ban đầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyền và trách nhiệm