Giá USD trên thị trường ngân hàng và thị trường tự do đều đang giảm mạnh. Theo các chuyên gia, tỷ giá chắc chắn sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, giúp doanh nghiệp vơi bớt nỗi lo áp lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm nhiều hơn những đơn hàng mới.
Ngày 26/8, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.254 đồng/USD. Trên thị trường ngân hàng, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.680 VND (mua vào) - 25.050 VND (bán ra), giảm 100 đồng mỗi chiều so với cuối tuần trước.
BIDV cũng giảm giá USD về mức 24.730 -25.070 VND mua vào - bán ra. Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do giao dịch USD với mức giá phổ biến là 25.200-25.300 đồng/USD mua vào - bán ra, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Giá đồng USD tự do bắt đầu rơi mạnh trong hơn một tháng gần đây, đặc biệt trong nửa đầu tháng 8. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn 700 đồng, tương đương giảm khoảng 2,4%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá vẫn duy trì sự ổn định và đảm bảo thị trường ngoại tệ thông suốt, giúp cân bằng cung cầu ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá một cách linh hoạt và kịp thời, nhằm đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đồng Việt Nam từng mất giá gần 5% so với USD từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8, tỷ lệ này đã giảm còn 3,85%. Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết, giá USD trong nước đồng loạt lao dốc trong bối cảnh sức mạnh đồng bạc xanh có dấu hiệu suy yếu trên thị trường quốc tế, khi triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của FED rõ ràng hơn.
Theo ông Huy, việc tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Trước đó, trong quý II và nửa đầu quý III, Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục duy trì thực hiện các biện pháp mang tính thắt chặt trên thị trường, nhằm kìm hãm đà tăng của tỷ giá như tăng lãi suất OMO (lãi suất trong giao dịch bơm vốn đến các thành viên trên thị trường mở), tăng lãi suất tín phiếu và bán ngoại tệ...
Doanh nghiệp thở phào, đỡ lo
Nếu như nửa đầu năm 2024, tỷ giá là vấn đề rất được nhà đầu tư và cơ quan quản lý quan tâm, thì hiện nay, vấn đề này đã hạ nhiệt. Những áp lực khiến tỷ giá có thể tăng đã giảm dần, trong đó có cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Theo các chuyên gia, việc tỷ giá ổn định và có xu hướng giảm trong thời gian tới mang lại nhiều triển vọng tích cực cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu.
Anh Nguyễn Công Hùng, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu đồ da từ nước ngoài về sản xuất trong nước. Theo đó, mỗi tháng doanh nghiệp của anh Hùng cần nhập 15 tỷ đồng để mua hàng, toàn bộ giao dịch được thanh toán bằng ngoại tệ. Nhờ tỷ giá giảm trong thời gian gần đây nên chi phí mỗi đơn hàng đều giảm từ 2 - 4% so với lúc cao điểm.
Giá USD được dự đoán tiếp tục giảm. Ảnh: Như Ý
“Thời điểm hiện tại, giá USD đã giảm dẫn đến chi phí đầu vào sản xuất của doanh nghiệp thấp hơn. Theo đó, sản phẩm đầu ra bán rẻ hơn, giúp doanh nghiệp gia tăng được doanh thu”, anh Hùng nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, nhận định, tỷ giá giảm sẽ giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể mở rộng cung tiền, hạ lãi suất điều hành, từ đó mặt bằng lãi suất có thể giảm hoặc duy trì ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ông Độ cho rằng, tỷ giá từ nay đến cuối năm có khả năng vẫn tiếp tục hạ nhiệt nếu FED hạ lãi suất. Tuy nhiên, giá 1 đồng USD không thể xuống dưới 25.000 đồng.