Sau khi khuôn đã khô, người thợ sẽ đổ đồng nóng chảy vào khuôn. Khâu này đòi hỏi những người thợ có kỹ năng, tay nghề cao để có thể canh thời gian, đồng thời phải phối hợp ăn ý giữa các thợ với nhau.
Sau khi đập bỏ khuôn đất sẽ chuyển sang khâu làm nguội, các công đoạn gia công như mài giũa, chạm khắc hoa văn, đánh bóng và bán ra thị trường.
Người thợ sẽ chạm khắc hoa văn và đánh bóng cho lư đồng. Do quá trình làm lư đồng bằng thủ công nên cần 20 ngày để cho ra một chiếc lư đồng thành phẩm.
Ông Trần Quốc Kiển, chủ cơ sở lư đồng Quốc Kiển cho biết, lư đồng An Hội với đặc điểm làm thủ công nên được nhiều người chọn trang trí mỗi dịp Tết đến. Tuy nhiên so với năm ngoái, năm nay tình hình ảm đạm hơn, đơn mới chỉ lác đác trong khi hàng tồn kho còn nhiều. Giá cả năm nay giảm 20%, số lượng thợ ở xưởng ông cũng giảm còn 13 người trong khi năm ngoái cần đến 30 thợ mới đủ phục vụ đơn hàng Tết.
Sau gần 200 năm, làng đúc đồng An Hội đã giảm từ 24 cở sở xuống còn 4 cơ sở đang hoạt động. Dù trải qua nhiều thăng trầm và sự cạnh tranh của lư đồng công nghiệp sản xuất đại trà bằng máy, song nghề làm lư đồng An Hội vẫn giữ được nét đặc trưng, sự tinh tế, thẩm mỹ qua từng đường chạm khắc trên lư.
Dịp Tết, ngoài lư đồng truyền thống, các cơ sở ở đây còn sản xuất nhiều sản phẩm khác để phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.