Mái ấm của ba chị em người Mông ở Đồn biên phòng Lũng Cú

Đức Trí | 15/12/2022, 09:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cha mất sớm, mẹ bỏ nhà đi mất tích, ba chị em ruột người dân tộc Mông tại xã Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang) rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ.

Cha nuôi miền biên viễn

Chứng kiến hoàn cảnh đáng thương đó cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Lũng Cú (BĐBP Hà Giang) đã đón về nuôi dưỡng, cho đi học. Những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa lại có một gia đình mới với những người cha áo lính.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu, nhân viên Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Lũng Cú là người gắn bó dạy bảo trực tiếp hàng ngày 3 đứa trẻ chia sẻ: 15 ngày sau khi bố đẻ của 3 đứa trẻ mất vì bệnh thì mẹ cũng bỏ đi dắt theo con bò giống - tài sản lớn nhất trong nhà. Hơn 4 năm trôi qua, chưa một lần người mẹ ấy về tìm các con hoặc ai biết thông tin.

Mồ côi cha mẹ khi đứa lớn nhất mới 11 tuổi, tiếp theo 8 tuổi, út 4 tuổi. Ông bà nội ngoài 70, “kéo cầy trên đá” để nuôi cháu ăn học cũng không đủ. Cuộc sống khó khăn khiến chị cả Thò Thị Dính và em trai Thò Mí Và sớm phải tham gia lao động phụ giúp gia đình. Việc học của các em đứng trước nguy cơ đứt đoạn.

Trong quá trình phụ trách địa bàn, chứng kiến hoàn cảnh bất hạnh của 3 đứa trẻ, cán bộ chiến sĩ Đồn Lũng Cú đã đề xuất với Bộ chỉ huy BĐBP Hà Giang đưa về đồn nuôi dạy, chăm sóc và được chấp nhận.

Tuy nhiên để đón được 3 đứa trẻ về đồn không dễ bởi trong suy nghĩ của bà con dân tộc: “Thiếu thốn đến mấy cũng không “cho” cháu, giao cho bộ đội nuôi làm sao còn nhớ đường về gia đình. Để ở nhà, chỉ có ngô khoai ăn cũng lớn. Học ít không quan trọng…”, thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu chia sẻ.

Cán bộ chiến sĩ đồn phải bàn bạc, phối hợp với chính quyền địa phương, bí thư chi bộ xã, trưởng thôn nhiều lần xuống nhà gặp gia đình vận động, giải thích. Khi hiểu tình cảm của bộ đội dành cho 3 đứa trẻ, mong muốn các cháu có tương lai tốt hơn thì ông bà nội mới đồng ý để cán bộ đồn đưa 3 cháu về nuôi.

Ban chỉ huy đồn Lũng Cú đã thành lập tổ chăm sóc 5 người đảm trách nuôi dạy 3 cháu. Trong đó thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu trực tiếp dạy bảo hàng ngày. Những người lính Biên phòng quanh năm quen với sương gió biên thùy… bỗng trở thành những người cha nuôi, tỉ mỉ cẩn trọng với nhiệm vụ nuôi dạy trẻ.

Mái ấm của ba chị em người Mông ở Đồn biên phòng Lũng Cú ảnh 1
Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu vượt hơn 150km đưa cháu Thò Mí Và xuống Hà Giang chữa bệnh.

Đồng hành với bà con dân tộc nơi biên giới

Nhớ lại ngày đầu 3 đứa trẻ được đón về đồn bắt đầu cuộc sống mới, thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu cho biết: Dù chuẩn bị trước tâm lý các con chưa quen môi trường mới song không thể ngờ chúng khóc nhiều vì nhớ nhà và nhất mực đòi về. “Lúc đó, anh em chiến sĩ chỉ biết kiên nhẫn dùng tình cảm yêu thương để dỗ dành, động viên như chính con mình. Ngày nào trôi qua bình yên thì cán bộ, chiến sĩ yên tâm ngày ấy bởi nỗi lo chúng sẽ tìm cách trốn, băng rừng về nhà và gặp nguy hiểm luôn thường trực...”.

Và cũng để 3 đứa trẻ bớt nhớ nhà, yên tâm ở đồn, những ngày cuối tuần cán bộ chiến sĩ dù bận công việc đến mấy cũng cắt cử nhau dành thời gian đưa về thăm ông bà. Vì thế các cháu thêm yên tâm và nhanh chóng hòa nhập ở môi trường sống mới…

Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu cho biết thêm khi mới đón về đồn, chiều cao cân nặng của 3 đứa trẻ đều nhỏ thó so với các bạn cùng tuổi. Kĩ năng sống thiếu và yếu, không biết tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân. Đặc biệt rụt rè và sợ người lạ mỗi khi ai đến gần. Sức học của 2/3 đứa trẻ đều ở mức trung bình.

Tuy vậy, sau thời gian ngắn dưới sự chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ đồn Lũng Cú từ bữa cơm, giấc ngủ… đến hướng dẫn tập thể dục đều đặn mà thể trạng 3 chị em đều tăng nhanh, khỏe mạnh. Và nhờ sự kèm cặp sát sao của cán bộ chiến sĩ đồn, cùng sự quan tâm, chỉ bảo hết lòng của các cô giáo tại trường mà học lực Thò Thị Dính và Thò Mí Và đều đạt học lực loại khá, giỏi tại lớp.

Không có sự dạy bảo của bố mẹ, trẻ em dân tộc lại ít tiếp xúc với xã hội, tiếng Kinh không sõi… nên 3 chị em bị hạn chế nhiều mặt. Do đó sự hỗ trợ kiến thức văn hóa chỉ là một phần, quan trọng hơn phải giáo dục, bồi đắp kĩ năng sống khi các em chuẩn bị bước vào tuổi lớn. Và chỉ có như vậy mới giúp các em nhanh chóng hòa nhập cùng môi trường mới. Đó là vấn đề tổ chăm sóc và thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu đặt ra để thực hiện.

Thật may mắn, thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu có quá trình dài bám sát địa bàn, người dân, nên hiểu rõ văn hóa, thói quen phong tục tập quán người Mông. Anh còn thành thạo tiếng Mông nên dễ dàng hơn trong việc hướng dẫn 3 đứa trẻ từ việc nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, rửa mặt đánh răng, giặt quần áo, gấp chăn màn, dọn dẹp phòng ở, chăm sóc vườn rau…

Với Thò Thị Dính bước vào tuổi dậy thì, thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu bàn bạc, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để dạy bảo, hỗ trợ kiến thức sức khỏe sinh sản, chia sẻ những điều thầm kín thay vai trò người mẹ…

“Dạy bảo, chăm sóc 1 đứa trẻ đã khó, 3 đứa trẻ đủ lứa tuổi một lúc là việc không dễ dàng. Tuy nhiên được đơn vị phân công, bản thân những người lính cũng yêu thương 3 đứa trẻ như con nên tất cả coi đây như nhiệm vụ và trách nhiệm hết mình, dành tình yêu thương cho các cháu. Chúng tôi làm thật tốt nhiệm vụ này lớn hơn cả vì các cháu, nhưng cũng là uy tín, danh dự của những người lính Biên phòng với đất nước, nhân dân…”,thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu bày tỏ.

Thiếu tá Hà Văn Đô, Phó chủ nhiệm chính trị BĐBP Hà Giang cho biết: Trong những năm qua, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú không chỉ thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường” mà còn triển khai hiệu quả mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Có thể làm tốt song hành 2 công việc này bởi tất cả luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, đồng hành với khó khăn của bà con dân tộc nơi biên giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mái ấm của ba chị em người Mông ở Đồn biên phòng Lũng Cú