Truyện ngắn: Hạnh phúc mơ hồ của Thổ

23/04/2024, 06:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trên chuyến xe đò về chốn khỉ ho cò gáy tuốt gần cuối dải đất, lòng Thổ cuộn lên bao nhiêu là nghĩ suy.

Không biết Thương có chịu nghe mình, theo mình về thành phố không.

- Ủa rồi… Thương cứ vậy đi luôn hay sao? - Buổi tối cách đây hai tháng khi tìm tới chỗ trọ của Thương, Thổ lấy hết can đảm của một thằng đàn ông đầu đã chớm bạc chứ chẳng còn trẻ trung gì, hỏi người đàn bà đang lúng túng trước mặt mình.

- Thì đi chứ sao. Anh Thổ ở lại… mạnh giỏi! – Thương nói gọn lỏn, nhưng trong âm giọng có gì đó không nỡ. Hay là Thổ tưởng tượng ra cái sự không nỡ đó, anh cũng không biết nữa.

- Ừ… Thương cũng mạnh giỏi, mấy đứa nhỏ cũng mạnh giỏi nghe - Thổ thấy như mình bị hụt hơi, cái khúc chỗ tim tới dạ dày quặn lên một hồi. Mỗi khi buồn bã thất vọng quá mức, Thổ hay có cảm giác này. Nó bồi hồi, bần thần khiến anh không nhấc nổi tay chân.

Thổ không muốn đó là buổi tối cuối cùng trong cuộc đời nhìn thấy Thương. Dắt chiếc xe máy cũ tính nổ máy, Thổ còn tần ngần ngó vô phía cổng. Thương cũng đứng đó mấy phút, không nhìn anh nhưng mặt cô nghiêng qua vùng nửa sáng nửa tối do mớ quần áo trên sào phơi phủ bóng xuống.

Hình ảnh lưu lại trong trí nhớ Thổ là cái áo đồng phục công nhân vải thun màu xanh nhạt Thương mặc. Nét rầu rĩ hiện rõ trên gương mặt cô. Nhưng Thổ còn nhìn thấy trong đó một niềm hạnh phúc mơ hồ nào đó, trái ngược cảm giác khi người ta nhìn một bông hoa tím sẫm dễ thấy nó buồn dù đang trong giai đoạn bừng nở.

Phải mù quáng một chút mới có hạnh phúc… Dường như Thổ đang hành động theo hàm ý này, nên mới có buổi sáng đón xe đò vội vã hôm nay.

Hạnh phúc mơ hồ của Thương là gì? Làm sao Thổ đủ khả năng diễn giải những từ ngữ sách vở này. Thổ lờ mờ nhận ra, và cơn co cuộn dạ dày lại tiếp diễn: Có lẽ Thương vui vì sắp về với chồng, dù Thương nói rằng đó là chồng cũ. Nhưng biết đâu được…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cần phải nói ngay rằng Thổ và Thương chẳng có gì với nhau, ngoài ba lần gặp mặt không hề có gì ám muội. Thổ cũng chẳng phải kiểu đàn ông thích ám muội. Chỉ là Thổ thấy Thương khổ quá. Cái khổ và sự thiệt thà của cô khiến Thổ đâm ra thương xót. Thành ra trên cuốc xe mà Thổ chở Thương về khu trọ của cô, mối duyên tình cảm mến đã nảy nở…

* * *

- Anh ơi, anh còn chở khách không? Chở tui về với, cách đây chừng chục cây số.

- Chị đi đâu tối thui vậy, tui tắt app rồi - Thổ cố ngáp cho nhanh, ngán ngẩm nhìn người đàn bà trước mặt đang bịt khẩu trang, mặc cái áo mà mấy bữa sau khi gặp lại Thổ biết đó là đồng phục một công ty may. Phần nữa là vì chạy xe rước khách cả ngày, người Thổ chua lè, áo khoác lại lem nhem ướt khó chịu, Thổ muốn về nghỉ sớm chút. Mà sớm gì nữa, gần 11 giờ đêm rồi.

- Tui… tui đi đưa hai đứa nhỏ ra xe về quê…

- Thôi được rồi, chị lên tui chở. Đây qua đó cũng xa. Tui lấy chị năm mươi ngàn thôi – Nghe giọng thật thà, rồi đứng nhìn chị ta lúng ta lúng túng một hồi, Thổ đành làm cuốc xe chót, dù chở chị ta về rồi dọt về chỗ trọ của Thổ như đi một hình tam giác mỏi mệt.

- Con chị lên đây đi học hay đi làm? Sao về đêm hôm dữ vậy?

- Tụi nó một đứa đi làm trên đây, một đứa đang học lớp 10 dưới quê. Về tại nhà có chút chuyện. Lên xe sáng tới, cũng tiện…

Im lặng một lúc. Qua khỏi ngã tư toàn xe container, không hiểu sao Thổ lại hỏi tiếp, mà không biết mình có thiếu tế nhị không nữa:

- Vậy chứ chồng chị đâu, sao để chị đêm hôm đi như vầy?

- Dạ ảnh bận… - Thổ nghe chị ta nói nhỏ xíu, bỏ lửng câu nói. Trời đêm se sắt, gió vần trên những tán cây báo hiệu khuya nay có thể mưa. Thổ mới nhớ ra nãy chị ta mặc mỗi chiếc áo thun màu xanh, Thổ định hỏi chị ta có lạnh không, lạnh thì mặc đỡ áo khoác của mình. Nhưng sợ chị ta nghĩ ngợi, Thổ không nói gì, chạy tốc độ vừa phải cho đỡ co ro.

- Tui lên đây làm công ty đâu cũng mười năm rồi. Chuyển sáu, bảy chỗ trọ rồi. Con gái lớn học hết lớp Mười thì nghỉ, lên ở chung đi làm chung luôn. Con em ở nhà với ba nó dưới quê, đợt rồi hè nó theo lên đây chơi, rồi nói không muốn đi học nữa. Tui với ổng thôi nhau rồi nên khó nói chuyện lắm…

- Vậy rồi sao chị, ráng lo cho nó học mai mốt có việc làm nhàn hơn - Thổ hỏi, đế theo câu chuyện mà người đàn bà bất ngờ kể cho mình nghe. Nhưng cũng không bất ngờ lắm, vì trong những cuốc xe đêm như vầy, Thổ đã nghe nhiều câu chuyện của đủ kiểu người. Từ dân anh chị, gái làng chơi, sinh viên, người buôn bán, dân nhậu, cho tới những người già chán nản không muốn về nhà.

Nhưng ở Thương có gì đó lành hiền và chịu đựng khiến Thổ mủi lòng.

Có lẽ Thương cũng ruột để ngoài da, chứ ai đâu lại đi kể chuyện mình thôi chồng với một người lạ.

- Nói rồi mà nó không nghe, ba nó dọa đánh nó cũng không chịu đi học tiếp. Mới hết lớp Chín à. Định hết hè xin cho nó đi làm chỗ tui luôn. Đang yên đang lành ba nó điện kêu về dưới, không biết tính rầy la gì con nhỏ đây nữa…

- Chị không thu xếp về với tụi nó hả?

- Đâu có được, tháng trước tui nghỉ ba ngày rồi, nghỉ riết người ta đuổi sao. Tháng trước ổng nhậu dưới đó, quậy banh nóc rồi làm đổ bể đồ bán cà phê nước ngọt của hàng xóm. Tui đâu còn dính líu gì với ổng nhưng thấy tội, với con nhỏ còn đang ở dưới đó, tui phải về dưới năn nỉ người ta gần chết – Nói tới đây, tự nhiên người đàn bà lặng đi một lúc. Thổ đoán có lẽ là chị ta thấy đã bộc lộ hơi nhiều về cuộc đời của mình.

- Tui định đưa con nhỏ lên đây ở với tui cũng là vì ba nó dưới đó nhậu nhẹt quá, có lo gì cho nó đâu mà đòi nuôi. Mà không hiểu sao tui nói nhiều với anh vậy nữa, anh nghe đừng phiền…

* * *

Xe dừng trước một dãy trọ nhìn thoáng qua cũng không tới nỗi nào, chỉ có ánh đèn tù mù tạo cảm giác bức bối và lối đi hơi hẹp. Chợt như có gì xui khiến, Thổ dặn:

- Chị cho tui số đi, mốt có cần đi đâu tui chở lấy rẻ cho chị. Với tui chạy xe vầy cũng biết mấy chỗ người ta thuê mướn được lắm. Hai đứa nhỏ không làm công nhân thì đi bán shop giầy dép, quần áo hay quán cơm cũng được…

Thổ thấy người đàn bà thoáng chững lại, rồi chị ta kêu Thổ đọc số cho mình bấm và nhá qua máy Thổ. Chị ta lí nhí điều gì đó Thổ không nghe rõ, dúi vào tay Thổ mấy tờ xanh xanh. Thổ cũng không chú ý, định bụng không lấy tiền nhưng lại sợ chị ta ngại nên thôi.

Lúc này, Thổ mới để ý chân chị ta hơi cà nhắc, mà bữa sau Thổ mới được biết do chị ta bị tật từ nhỏ, lại thêm chứng thiếu máu gì gì đó mỗi tháng phải đi viện một lần.

Thằng đàn ông côi cút một đời như Thổ đâu dám mơ hạnh phúc. Một lần cách đây mươi năm quen cô bồ làm thợ phụ cho một tiệm uốn tóc, Thổ tưởng mình đã tìm được bến. Anh sẽ có vợ, có con, ráng làm ăn rồi sẽ có nhiều thứ hơn.

Cuộc đời đâu ai nói trước được. Thổ nghĩ có lẽ do mình đã dự tính nhiều quá nên vỡ mộng. Cô bồ sau một đêm ngủ dậy đã đem đi sạch trơn giấc mơ của Thổ: Một cây hai vàng và tiền dành dụm Thổ cất dưới lớp đệm xốp của cái tủ vải.

Chẳng ai có thể biết được nơi cất giấu quá sơ sài và cũng quá kín đáo của Thổ. Cho đến một ngày Thổ nói nhỏ vào tai cô bồ về tương lai hai đứa và số tiền mình có được. Thổ không rượu chè, chẳng chơi bời, cắm cúi làm lụng như một con trâu hiền lành bấy lâu. Vậy mà…

Dò la, nửa năm sau Thổ biết được cô bồ mở một quầy bán kẹp tóc, mũ nón ở một chợ nhỏ ngoại thành. Nhưng thôi làm gì được đâu khi trái tim người ta đổi thay, khi sớm tối có một thằng cha bảnh bao hơn Thổ phụ giúp cô nàng.

Thổ thấy như tim mình bị khoét một lỗ. Những lúc nghĩ tới cô bồ cũ là như gió lùa vô cái lỗ trống trong tim. Nhưng kỳ lạ là lòng Thổ không oán giận. Có lẽ do Thổ sanh ra được mẹ mình thương yêu chăm bẵm, dù hai mẹ con chỉ ở một căn chòi heo hút không có bóng dáng người cha.

* * *

Thổ muốn dành những tình cảm trìu mến cho Thương. Thổ cũng không biết thật sự Thương đã thôi hẳn người chồng chưa. Nhưng Thổ nhớ lại cái điệu bộ nhỏ nhẹ và khép nép của Thương.

Anh tin rằng cô là một người tốt. Một người mẹ lo lắng và muốn con chung sống với mình, để bảo bọc thương yêu con, thì không thể xấu được. Và khi tin ai đó tốt, Thổ nghĩ rằng họ dù có xấu vài phần trăm cũng sẽ thành tốt.

Thổ đâu có còn ai trên đời. Mẹ đã rời bỏ anh trong một đêm mưa gió, khi căn bệnh phổi của bà tới kết cùng. Bà như đã ho đã tống ra hết những tủi nhục cuộc đời để rồi khi ra đi gương mặt dài ngoắc do bệnh hành trở về sự thanh thản hiếm hoi. Thổ lên thành phố cũng chỉ mang theo ảnh thờ của mẹ, dù dưới quê bà Sáu nói thôi anh cứ ở cái miếng đất lâu nay ở ké trong vườn bà, phụ giúp bà công chuyện vườn tược vì bà coi anh như con cháu.

“Con lên thành phố một chuyến dì à, ở đây con toàn nhớ tới mẹ không làm ăn gì được”, Thổ nói. Và anh vẫn đều đặn mỗi năm về thăm người dì không máu mủ này, thăm mộ mẹ nằm yên tĩnh một góc vườn và chờ đợi đâu đó trong làn gió đưa giọng mẹ về. Mồ côi khổ lắm ai ơi.

Rồi mối tình với cô bồ cũ không thành khiến anh một lần nữa cảm thấy trơ trọi. Thổ thấy mình yếu đuối, tầm thường, rồi cảm giác đó trôi qua nhường cho mối lo lấy gì để bỏ vô miệng. Sống cái đã rồi tính sau. May mà khi nghỉ làm xí nghiệp, anh bám vào nghề xe ôm công nghệ này.

Nghĩ lẩn quẩn một hồi, mỗi ngày đều mấy hồi suy nghĩ như vậy, trong lòng vui sướng, Thổ quyết đi tìm Thương. Anh tắt app, ra bến gửi xe, rồi cứ vậy leo lên chiếc xe đò có thể làm thay đổi đời anh. Thương đã chỉ cho anh nhà của mình - đúng ra là của chồng cũ - ở khúc nào chỗ gần mé sông.

Chắc Thương không ngờ rằng Thổ sẽ đi tìm mình. Sáu tiếng trên xe, một lần dừng nghỉ, Thổ cứ như người trên mây nhưng lòng lại cuộn lên như người say sắp tỉnh.

Nếu Thương, à nếu Thương vẫn chưa thôi chồng cũ, Thổ sẽ trở lại thành phố ngay. Sẽ không để ai biết được ý định của mình. Thổ thấy xấu hổ, sợ thiên hạ nghĩ quấy. Thổ cầu mong nhà Thương ở nơi nào trống trống để anh có thể quan sát biết được mọi chuyện mà không cần ló mặt.

Rồi khi biết chắc là Thương không còn gì với chồng, Thổ sẽ nói thiệt hơn cho Thương trở lại thành phố. Dù sao làm công nhân cũng là cái nghề đủ sống, lương thiện. Thổ sẽ tìm việc cho hai đứa con Thương. Còn nếu Thương đã thôi chồng nhưng chưa mảy may muốn đến với Thổ, hoặc vì con, thì Thổ sẽ đợi, như người ta đợi đò chiều, đợi trăng lên, đợi ngày tới.

* * *

- Chú tìm ai?

Thổ giật mình quay ra phía sau. Một cô gái cỡ đôi mươi, tóc dài, nhìn Thổ tò mò. Lấy lại bình tĩnh, Thổ nói đang tìm nhà người quen. Trời xui đất khiến sao đó mà anh nói “Tìm cô tên Thương” rồi rụt lưỡi lại như vừa phạm tội gì dữ thần lắm. Thổ thấy cô gái thoáng cười, thoáng ngạc nhiên rồi nhìn Thổ chằm chằm:

- Thương là mẹ tui. Chú tìm mẹ có việc gì?

- Chú… À… Chú là người quen, là xe ôm đợt trước chở mẹ con mấy lần, có việc đi ngang nên chú tính ghé thăm. Con là con gái đầu hả?

- Đúng rồi chú. Thôi hổng gì chú qua đây uống nước đi, mẹ con đi công chuyện chưa về.

Lúng túng, nhưng trong lòng thầm mừng vì đã tìm được nhà Thương mà không tốn công sức dò hỏi, và mừng vì Thương đã nói đúng chỗ ở, Thổ theo con gái Thương qua cái quán mái lá ướt nhẹp sau cơn mưa nằm xéo xéo bên kia đường.

Gọi hai trái dừa, Thổ ngồi xuống và bây giờ anh mới nhận thấy nét hao hao trên gương mặt con gái Thương. Ngồi từ chỗ này có thể nhìn thấy hàng rào dâm bụt và bên hông nhà Thương. Căn nhà nửa gỗ nửa gạch trông cũng tươm tất.

Sau khi hỏi han con gái Thương dăm ba câu cũng trơn tru dù lòng Thổ như đánh trống hội, Thổ mới biết Thương định về đây ở luôn. Có tuyến xe buýt lên khu công nghiệp trên huyện nên Thương có thể đi làm công nhân trên đó, chiều về hoặc trọ lại cũng tiện. Tiền trọ dưới này rẻ hơn trên thành phố, lại gần gũi con cái.

Hỏi han thêm một lúc, thấy con gái Thương cứ cười hoài, Thổ đánh liều hỏi lý do. Lúc này cô bé mới thôi cười, nói tỉnh bơ, khác hẳn vẻ ngại ngần của Thương:

- Mẹ kể tui nghe hết rồi. Mẹ nói có chú kia tốt bụng hứa xin việc làm cho tụi tui, chú chạy xe công nghệ…

Thổ điếng hồn, cảm giác như mình đang không còn gì để che giấu vòng vo nữa. Không biết Thương kể gì với con gái, nhưng xem ra cô nhóc có vẻ mến Thổ. Nãy giờ cũng nói được nhiều điều và giúp Thổ lờ mờ đoán chồng cũ Thương không còn ở đây nữa.

Nhưng Thổ không dám hỏi thẳng vì như vậy sỗ sàng quá. Thương từng có chồng, lại đang có hai con, không khéo cô sẽ tưởng Thổ vồ vập, lời nói gió bay. Hoặc cô nổi khùng đuổi thẳng cổ thì anh tám kiếp cũng chưa hết quê, hết ân hận.

Và thật sự Thổ cũng hơi chột dạ. Không biết nếu Thương nhận lời thương mình, Thổ có lo được cho mấy mẹ con không. Rồi hai con của cô có chấp nhận. Tụi nó lớn rồi, tụi nó mà làm mặt hầm hầm thì khó mà sống êm thấm được…

Thổ dứt khỏi những suy nghĩ tự diễn biến khi con gái Thương - lúc này Thổ biết tên là Thanh - chỉ tay nói: “Mẹ về rồi kìa chú”. Thổ nhìn theo thấy một bóng người đã đi vô trong nhà. “Nhưng giờ chú qua nhà con có kỳ không…”, Thổ lúng túng. “Có sao đâu chú, bạn của mẹ mà”, Thanh cười lớn rồi đi trước.

Không hiểu sao Thổ nửa muốn rời đi, nửa muốn quẹo vô nhà Thương. Nửa như lo lắng, nửa lại háo hức. Nửa chẳng muốn nghĩ thêm, nửa lại sẵn sàng với niềm mới mẻ hân hoan về cuộc sống mới. “Thôi kệ đi”, Thổ tự trấn an và tay xách chặt túi trái cây bánh kẹo mua ở trạm dừng chân.

Anh mặc một cái quần tây, áo sơ mi trông cũng lịch sự, đứng đắn. Công bằng mà nói, Thổ nhìn cũng không tới nỗi nào. Nhiều người quen hay nói nhìn anh giống người nhàn hạ hơn là chạy xe ngoài đường. Nghĩ tới đây anh thấy an tâm hơn.

Thương mặc một cái sơ mi xanh ngắn tay, quần vải đậm màu. Tóc mái cô lòa xòa trước trán và hôm nay Thổ mới thật sự trông rõ mặt cô, trông không khác mấy với con gái, chỉ là da sạm hơn và hằn lên nếp nghĩ ngợi lo toan của lứa tuổi ngoài 40. Chân cô vẫn đi cà nhắc, nhưng cô vẫn có những động tác nhanh nhẹn và hơi lúng túng.

Lấy cho Thổ ly trà đường, dĩa ổi, Thương vẫn chưa hết cái vẻ vừa ngạc nhiên vừa không ngạc nhiên. Dường như cô đoán được điều gì đó, đã tự trả lời cho sự xuất hiện của Thổ. Hay là… Thổ chợt nghĩ, Thương cũng có cảm tình với mình.

Ý nghĩ này làm cho Thổ như được cơn gió mát thổi qua. Anh thấy mặt mình nhẹ đi theo một hơi thở ra, rũ bỏ những suy xét và cả cái ý nghĩ bỏ chạy ban nãy. Tình yêu làm cho anh như một kẻ khờ. Mà chắc tình yêu cũng làm cho bao kẻ khác ngớ ngẩn như vậy, dù ngồi trên ngôi cao hay là gã ăn mày.

Trong nhà Thương mát mẻ, đồ đạc gọn gàng. Hỏi ra mới biết con gái thứ hai của Thương sẽ đi học tiếp vì giờ Thương ở lại nơi này. Thổ quan sát thấy trong nhà không có đồ đạc đàn ông, ít nhất là gian nhà ngoài. Nhưng mấy tháng trước Thương còn nói con gái thứ hai đang sống với cha nó kia mà. Hay Thương đã giải quyết dứt điểm mọi sự. Hay cô nói vậy để Thổ không có ý định tán tỉnh cô…

Thổ định khi trà nước xong xuôi, Thổ sẽ đánh liều mà nhỏ nhẹ hỏi Thương sự thể ra sao. Tuổi của anh đâu còn như trai trẻ mà ngượng ngùng chần chừ. Anh nhìn ra bên ngoài cửa sổ, mấy con chim sẻ chuyền cành, chọc ghẹo nhau trên mấy nhánh mãng cầu xiêm đang ra trái non.

Mùi cá chiên trong bếp bay ra. Chắc con gái Thương đang nấu cơm đãi khách. Cái mùi bếp núc làm người ta thèm muốn không khí gia đình, nhớ quay quắt thời trẻ dại và ước tự mình làm chủ một chái nhà đơn sơ như vậy.

Thổ chợt nghĩ người mẹ tội nghiệp dưới mồ sâu đang chờ anh ngày nào đó sẽ dẫn con dâu về thắp cho bà nén nhang. Hạnh phúc đơn giản và đẹp đẽ như vậy sao? Nhưng Thổ không nghe được trong tiếng gió lời lẽ của mẹ, hay anh đang mơ và sẽ đau ê ẩm mình mẩy lẫn con tim khi tỉnh dậy?

Bài liên quan
Truyện ngắn: Bến sông vẫn đợi
Không biết gia đình tôi làm nghề chài lưới trên sông từ bao giờ, chỉ biết rằng tôi sinh ra trên một con thuyền.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn: Hạnh phúc mơ hồ của Thổ