Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), chủ trương xã hội hoá sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn sách giáo khoa.
Cụ thể: Có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp (gồm các nhà xuất bản: Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, Đại học Huế); 3 tổ chức biên soạn sách giáo khoa, gồm: Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Việt Nam VPBOX; Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam VEPIC; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuất bản Giáo dục Việt Nam VICTORIA.
Đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực biên soạn sách giáo khoa đến từ trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa. Trong đó có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các môđun triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giáo viên, học sinh tại trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông. |
Cụ thể, tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho 6 khối lớp. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn sách giáo khoa và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 33. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa có trình độ từ Tiến sĩ trở lên.
Quy trình biên soạn sách giáo khoa được quy định cụ thể tại Thông tư 33, Thông tư 05. Các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa cần đảm bảo về hồ sơ biên soạn sách giáo khoa; từ việc xây dựng đề cương tổng thể, đề cương chi tiết, kế hoạch biên soạn; phân công nhiệm vụ của Tổng chủ biên, Chủ biên, tác giả,...
Đến nay, kết quả phê duyệt sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đã được phê duyệt và sử dụng. Sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được thẩm định. Sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 của các tổ chức, cá nhân đang được biên soạn. Kết quả này đã khẳng định thành công của chủ trương xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa.
Đại biểu tham dự hội thảo về công tác biên soạn sách giáo, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông. |
Nhận định rõ ưu điểm và hạn chế trong chất lượng bản mẫu sách giáo khoa; việc thẩm định, phê duyệt và lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đưa giải pháp triển khai tiếp theo cho vấn đề này.
Theo đó, tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 05 ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh hoạ của bản mẫu sách giáo khoa, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách giáo khoa theo đúng lộ trình. Tăng cường công tác thực nghiệm sách giáo khoa, khai thác góp ý sau thực nghiệm. Xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu sách giáo khoa.
Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu sách giáo khoa. Đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục; đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án.
Bảo đảm sách giáo khoa tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình. Khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành sách giáo khoa.
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa. Dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền. Tăng cường việc tiếp nhận ý kiến đề xuất lựa chọn sách giáo khoa từ các cơ sở giáo dục phổ thông của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh.