Đội ngũ ngành nghề này vẫn còn khá "mỏng" nên đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho nhân lực tương lai.
Dù giữ vai trò trọng điểm trong khối ngành Khoa học sức khỏe, tuy nhiên ngành Điều dưỡng vẫn luôn trong tình trạng “hụt” nhân lực đáng kể, cơn khát này còn diễn biến mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19. Vậy “Ngành Điều dưỡng là gì? Ra trường làm gì?” Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ.
Ngành học “khát” nhân lực như “nắng hạn khát mưa”
Ngành Điều dưỡng là một ngành trong hệ thống đào tạo nhân lực về y tế. Điều dưỡng viên được đào tạo sẽ là người hỗ trợ các bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên và các nhân viên khác trong hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho bệnh nhân.
Cụ thể, công việc Điều dưỡng viên là theo dõi, chăm sóc, kiểm tra sức khỏe người bệnh, phụ giúp bác sĩ khi thăm khám, thực hiện y lệnh của bác sĩ, hướng dẫn bệnh nhân cách tự chăm sóc sau điều trị và các công việc chuyên môn khác nhằm phục vụ quá trình chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Lực lượng Điều dưỡng chiếm đến 60 - 70% trong đội ngũ của lực lượng làm công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên hiện nay, lực lượng này vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000-50.000 nhân lực điều dưỡng.
Ảnh minh họa: Internet
Không chỉ thiếu nhân lực, các chuyên gia còn đánh giá Điều dưỡng là ngành nghề không thể bị thay thế bởi AI trong tương lai. Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế điều dưỡng. AI không thể nâng giấc, chăm sóc, hỏi han, ân cần, dịu dàng với người bệnh; cũng không thể lập kế hoạch để thay thế bàn tay, khối óc, cử chỉ, ánh mắt, thay lời nói động viên của người điều dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân. Các kỹ thuật chăm sóc như cho ăn, giúp cho người bệnh ngủ ngon, giúp người bệnh không bị ho, giúp họ thoải mái trong các hoạt động sinh hoạt trong bệnh viện... không ai có thể thay thế người điều dưỡng”.
Có thể thấy, với nhu cầu ngày càng lớn, sinh viên học ngành Điều dưỡng sẽ không phải lo về việc thất nghiệp khi ra trường bởi hiện đang có nhiều cơ hội mở ra với ngành học này. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Điều dưỡng có thể làm việc tại các cơ sở y tế của nhà nước hoặc tư thục. Ngoài ra, họ cũng có thể tiếp tục học lên Điều dưỡng đa khoa, Điều dưỡng trưởng khoa.
Mức lương tăng dần theo thâm niên, trình độ
Ngành Y nói chung và ngành Điều dưỡng nói riêng đều là một trong những ngành có thu nhập ở mức cao. Tuy nhiên mức lương của ngành Điều dưỡng sẽ không có con số chính xác do còn tùy thuộc vào năng lực, trình độ, bằng cấp và vị trí làm việc.
Căn cứ Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm b điểm c điểm d khoản 3 Điều 1 Nghị định 17/2013/NĐ-CP quy định mức lương của Điều dưỡng viên như sau:
Điều dưỡng viên hạng II sẽ có 8 bậc lương, dao động từ khoảng 7,9 - 12,2 triệu đồng. Điều dưỡng viên hạng III có mã số V08.05.12, được áp dụng mức lương cho viên chức loại A1 với hệ số lương từ 2,34 đến 4,98 triệu đồng. Có 9 bậc cho lương của Điều dưỡng viên hạng III và số tiền sẽ dao động từ khoảng 4,2- 8,9 triệu đồng. Với Điều dưỡng viên hạng IV, họ sẽ được áp dụng mức lương viên chức loại B với hệ số lương từ 1,86 đến 4,06. Có 12 bậc hệ số lương cho chức danh này và lương nhận được có thể từ 3,3 - 7,3 triệu đồng.
Ảnh minh họa: Internet
Như vậy, Điều dưỡng là ngành có mức thu nhập khá ổn định, tùy vào năng lực, bằng cấp và vị trí người đó đảm nhận. Nếu ở vị trí cao hơn hoặc có nhiều năm kinh nghiệm, điều dưỡng viên có thể đạt mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó còn có các khoản phụ cấp, trực ngoài giờ, tăng ca như vậy thực lĩnh hàng tháng lên đến 15 - 17 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, nếu làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, Điều dưỡng viên sẽ rất linh động với thu nhập của bản thân. So với viên chức, thu nhập khi làm cho doanh nghiệp tư nhân được đánh giá là cao hơn đáng kể. Bên cạnh đó, một lựa chọn nhiều Điều dưỡng viên hiện nay lựa chọn đó là đi xuất khẩu lao động sang các nước có nhu cầu tuyển dụng ngành Điều dưỡng cao như Nhật Bản, Mỹ. Ở Nhật Bản, lương Điều dưỡng viên có thể dao động từ 190.000 – 230.000 yên/ tháng tương đương với 38 – 40 triệu đồng/ tháng. Đây là mức thu nhập vô cùng hấp dẫn với người làm việc trong ngành.
Các trường đào tạo ngành Điều dưỡng
Ngành Điều dưỡng luôn trong tình trạng khát nhân lực, tuy nhiên vì là ngành học đặc thù nên việc luôn đòi hỏi sinh viên cả về kỹ năng thực hành chuyên môn, kỹ năng mềm và kỹ năng trải nghiệm nghề nghiệp dày dặn. Đây cũng là những điều kiện tiên quyết để các bệnh viện tuyển dụng nhân sự. Để đáp ứng nhu cầu đó, hiện nay có rất nhiều trường Đại học đào tạo ngành Điều dưỡng với sứ mệnh đào tạo ra đội ngũ Điều dưỡng viên tận tâm và có chuyên môn cao trong nghề.
Hiện nay, các đơn vị giáo dục đào tạo ngành Điều dưỡng được đánh giá là uy tín, chất lượng cao có thể kể đến ĐH Y Hà Nội với mức điểm chuẩn dao động từ 19 - 24 điểm; Đại học Y Dược - Đại học Quốc Gia Hà Nội với điểm chuẩn là 23,85; Khoa Y - Đại học Quốc Gia HCM với điểm chuẩn 19,65; Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với điểm chuẩn 22,40 và Trường Đại Học Y Dược – Đại Học Huế với điểm chuẩn là 19,05 điểm.
Hầu hết, các trường ĐH đều chọn phương thức xét tuyển đơn giản, thời gian đào tạo 4 năm cùng với mức học phí phù hợp… Nếu bạn có ước mơ được khoác trên mình tấm áo blouse trắng, thực hiện sứ mệnh chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân thì Điều dưỡng là một nghề thực sự dành cho bạn.
(Tổng hợp)