Cuối tháng 8, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, một liên minh không chính thức giữa Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tuyên bố sẽ mở rộng để kết nạp thêm 6 quốc gia (Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả-rập Xê-út và UAE) trong tương lai gần.
Bước đi này sẽ tạo nên một tập hợp lỏng lẻo các quốc gia chiếm khoảng 30% GDP và 43% sản lượng dầu toàn cầu, và có thể tiếp tục mở rộng trong dài hạn. Tầm nhìn của BRICS không chỉ là ngày càng mở rộng để đối trọng với phương Tây, mà còn tạo ra một đồng tiền chung để giảm bớt vai trò thống trị của đô la Mỹ.
7. Cuộc đua vũ trụ nóng hơn
Các cường quốc và nhiều hãng tư nhân đang tích cực chạy đua vào không gian. Đến nay đã có 77 quốc gia có cơ quan không gian vũ trụ, 16 quốc gia có thể đưa hàng vào vũ trụ. Mặt trăng được quan tâm nhiều hơn cả.
Nỗ lực của Nga nhằm chinh phục Hằng Nga thất bại, khi tàu đổ bộ của Mátxcơva đâm vào bề mặt Mặt trăng trong tháng 8. Ít ngày sau, Ấn Độ làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu đáp xuống vùng cực nam của Mặt trăng. Hai tuần sau, Ấn Độ khởi động sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời.
Trung Quốc và Mỹ cũng đề ra chương trình Mặt trăng đầy tham vọng. NASA đặt mục tiêu đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2025, còn Bắc Kinh đẩy mạnh triển khai kế hoạch tham vọng nhằm đưa phi hành gia lên Mặt trăng trong thập kỷ này và xây dựng một trạm nghiên cứu quốc tế trên đó. Các hãng tư nhân như SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic đóng vai trò lớn trong các hoạt động phóng tàu và vệ tinh lên vũ trụ.
Cuộc chạy đua ngày càng nóng làm dấy lên lo ngại rằng cạnh tranh địa chính trị sẽ dẫn đến tình trạng quân sự hóa không gian, trong khi vẫn thiếu quy tắc quản lý các hoạt động trong không gian vũ trụ.
8. Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều hứa hẹn và nỗi lo
AI phát triển vượt bậc trong năm 2022 với sự ra đời của ChatGPT. Năm 2023, ChatGPT mạnh hơn 10 lần và các chính phủ, công ty và cá nhân đã nhanh chóng khai thác tiềm năng của nó. Điều đó dẫn đến những tranh luận sôi nổi rằng liệu AI đang dẫn lối vào một kỷ nguyên mới cho sự sáng tạo và thịnh vượng của con người hay mở ra chiếc hộp Pandora của một tương lai đầy ác mộng.
Những người lạc quan tin rằng AI đang tạo ra những đột phá khoa học với tốc độ chưa từng có trên nhiều lĩnh vực, cho phép điều chế thuốc nhanh chóng, giải mã những bí ẩn y học và giải quyết các câu hỏi toán học hóc búa. Những người bi quan cảnh báo rằng công nghệ này đang phát triển nhanh hơn khả năng đánh giá và giảm thiểu tác hại mà nó có thể gây ra, gây thất nghiệp hàng loạt và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội.
Geoffrey Hinton, một trong những người tiên phong về AI, đã nghỉ việc tại Google để cảnh báo về mối nguy hiểm của nó. Những người tiên phong về công nghệ như Elon Musk và Steve Wozniak đã ký một bức thư ngỏ cảnh báo rằng AI gây ra “rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại”.
9. Nhiệt độ toàn cầu phá vỡ kỷ lục, COP28 đạt thỏa thuận lịch sử
Ngày 13/12, Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai lần đầu tiên nhất trí chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng theo cách công bằng, có trật tự và phù hợp, nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các bên cũng cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu cho đến năm 2030.
Đây được đánh giá là một bước tiến của nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh năm 2023 được coi là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua.
10. Dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc
Trong thế kỷ qua, thậm chí lâu hơn, Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng điều đó đã kết thúc trong năm 2023, khi dân số Ấn Độ ước tính có 1,4286 tỷ người, còn Trung Quốc có 1,4257 tỷ dân, theo thống kê của Liên Hợp Quốc.
Các chuyên gia nhân khẩu dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm 100 triệu người vào giữa thế kỷ này, trong khi Ấn Độ sẽ tăng lên 1,7 tỷ. Dân số trẻ hơn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Vì thế, việc Ấn Độ vượt Trung Quốc về dân số có thể dẫn đến thay đổi trong cán cân quyền lực ở châu Á.