10x giành học bổng 7,2 tỷ và sứ mệnh tạo giá trị cho cộng đồng

Châm Nguyễn | 05/03/2022, 18:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - “Dù thất bại là gì cũng dẫn mình đến một điều ý nghĩa hơn”, Lê Nam Thuận An chia sẻ.

anh-ca-nhan-2(1).jpg
Lê Nam Thuận An hiện là sinh viên Đại học Cornell University (Mỹ). Ảnh: NVCC

Lê Nam Thuận An (Vừng, 20 tuổi):

  • Từng theo học Bằng Tú tài Quốc tế tại trường United World College (UWC) - Nhật Bản. 
  • Từng là sinh viên trao đổi tại Đại học VinUniversity (Việt Nam).
  • Chủ nhân sản phẩm “A drop of the Ocean” được công chiếu tại Liên hoan Phim Quốc tế về Biển hồi tháng 3/2019.
  • Trúng tuyển 6 trường đại học ở Mỹ với mức học bổng từ 70% - 100%.
  • Đang theo học tại Cornell University (Mỹ) với học bổng 7,2 tỷ đồng.
  • Sở hữu kênh youtube “Vừng” với 137.000 lượt đăng ký.

Lan tỏa suy nghĩ tích cực về vấp ngã

“Cách tự học TOEFL để đạt 119/120”, “Một ngày đi học ở Đại học VinUniversity”, “Hành trình giành 7,2 tỷ học bổng du học Mỹ”,... là những video thu hút lượt xem lớn trên kênh youtube của Thuận An.

An cho biết, 4 năm trước, kênh youtube ‘Vừng’ được lập ra với mục đích chia sẻ cho gia đình, bạn bè về cuộc sống du học. “Tuy nhiên, đến lúc mình học đại học có một video nổi lên. Trong phần bình luận, rất nhiều người hỏi làm thế nào để có hành trình ‘hơi giống như mình’. Và mình nghĩ đây là một chủ đề hay để chia sẻ với mọi người ở Việt Nam. Từ đó, mình bắt đầu suy nghĩ về giá trị có thể đóng góp cho cộng đồng.”

“Mình đọc được câu nói: ‘Be the person you need when you were younger’ (Khi lớn lên, hãy trở thành người mà bạn cần khi còn nhỏ). Hồi bé, mình xem nhiều Youtuber người nước ngoài nói về cuộc sống sinh viên, học đường. Mình ước ở Việt Nam có ai đó chia sẻ để dễ dàng tìm hiểu hơn. Chính vì thế, mình quyết định trở thành người đó khi có cơ hội như bây giờ.” An chia sẻ về lý do trở thành Youtuber.

20211202(1).png
Giáo dục là chủ đề Thuận An muốn lan tỏa tới giới trẻ. Ảnh: NVCC

Cô nàng Gen Z muốn khơi gợi cho người xem sự tò mò về học thuật, về mọi chủ đề trên thế giới và truyền tải thông điệp của sự vấp ngã. “Nếu thất bại, mình sẽ chia sẻ để mọi người tránh. Hoặc họ gặp vấn đề giống mình sẽ cùng mình vượt qua”, An cho biết.

An quan niệm: “Dù thất bại là gì cũng dẫn mình đến một điều ý nghĩa hơn”. Cô nàng chia sẻ trước kia từng bị từ chối bởi một trường đại học yêu thích. Tuy nhiên, 10x đã có cơ duyên theo học tại trường Cornell University (Mỹ) - nơi có chương trình trao đổi đặc biệt liên kết với VinUniversity. Từ đó, Vừng được biết đến rộng rãi hơn nhờ video “Một ngày đi học ở Đại học VinUniversity”.  

“Bài học lớn nhất mình nhận được là chắc chắn ngày mai sẽ mỉm cười nếu cố gắng hết sức. Cánh cửa này đóng lại, cơ hội khác sẽ mở ra”, Vừng bộc bạch thêm. 

“Động lực nội sinh giúp mình luôn có đà phát triển”

Trước kia, Thuận An từng nghĩ “mình không có vẻ đẹp như họ nên không thu hút được ánh nhìn xung quanh”. Đó là rào cản khi An tham gia các cuộc thi âm nhạc (Đồ Rê Mí) và tiếng Anh (EF Challenge). 

Tuy nhiên, sau EF Challenge, An bắt đầu xem nhiều chương trình Ted Talks. Cô nàng thấy có nhiều diễn giả không sở hữu ngoại hình nổi bật nhưng vẫn có 1000 người trong khán đài trật tự lắng nghe và vỗ tay. An nhận ra, sự ủng hộ ấy không phải nhờ vẻ bề ngoài hay trang phục họ mặc.

“Và từ đấy, mình nghiên cứu nhiều hơn về thần thái, giọng nói, tốc độ của họ trong một bài diễn thuyết. Mình học được nhiều thủ thuật thay đổi giọng nói, ngữ điệu. Mình học được cách đứng trên khán đài, cách bước vào một căn phòng chậm rãi, tự tin nhìn tất cả mọi ngóc ngách, để thể hiện bản thân thấu hiểu và thuộc về nơi ấy”, 10x chia sẻ về hành trình xây dựng sự tự tin của mình.

Vừng giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nguồn: Kênh Youtube của nhân vật

Theo Vừng, khi tìm được động lực nội sinh (những giá trị bản thân thực sự tin tưởng) thì mọi vấp ngã đều có thể vượt qua. Trong khi đó, động lực ngoại sinh lại khác. “Chẳng hạn, mình sẽ cảm thấy rất vui khi nhận được lời khen ‘Ôi video này hay thế, chị giúp được em rất nhiều, em cảm ơn chị nhé!’. Tuy nhiên, mình cũng không thể kiểm soát được những bình luận tiêu cực như: ‘Có biết gì đâu mà làm youtube!’, hay ‘Xấu thế tại sao đi làm youtube!’. Đó là lý do mình nghĩ động lực nội sinh là bất biến và quan trọng nhất”, nữ du học sinh chia sẻ rõ hơn.

Hiện tại An đang học môn giải tích. Dù không phải môn yêu thích nhưng cô nàng vẫn cố gắng vượt qua. Cô luôn nhắc nhở bản thân: “Bài tập này chán nhưng sẽ giúp mình tư duy logic và cẩn thận hơn trong việc nhìn nhận vấn đề”.

“Hay những lúc không có cảm hứng, mình cố gắng yêu cầu bản thân làm 5 phút. Sau đó, mình sẽ có độ tập trung, năng lượng để làm 10, 20 phút”, cô nàng bật mí về quy luật mình thường áp dụng. 

Trải nghiệm học tập ở 3 quốc gia

Thuận An đã trải nghiệm môi trường học tại 3 quốc gia: Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ. 

tham-gia-cuoc-hop-tai-bo-giao-duc-cung-doan-giao-vien-o-truong-1-(1).jpg
Vừng tham gia cuộc họp tại Bộ Giáo dục cùng đoàn giáo viên ở trường. Ảnh: NVCC
vung-du-hoc-tai-nhat-ban(1).jpeg
Vừng du học tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC
vung-to-chuc-su-kien-cho-cac-ban-hoc-sinh-nhat-ban(1).jpeg
Vừng tổ chức sự kiện cho các bạn học sinh Nhật Bản. Ảnh: NVCC
vung-va-hoi-sinh-vien-quoc-te-cornell.png
Vừng và Hội sinh viên Quốc tế Cornell. Ảnh: NVCC

Cô nàng cho biết, khi học ở nước ngoài, bản thân cũng gặp phải những trở ngại như: nhớ nhà, khó hòa nhập với bạn bè ngoại quốc. Khi đó, nữ sinh đã phải tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, mở lòng hơn với thầy cô, bạn bè để được giúp đỡ. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, Vừng có thói quen viết thư tay, mua quà gửi cho người thân mỗi dịp đặc biệt. 

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa 3 môi trường học, Vừng cho biết kiến thức không có quá nhiều chênh lệch. Bởi hiện nay, thế giới có mạng xã hội và mọi người có thể tìm thấy nhiều nguồn tài nguyên học thuật ở đó.

Về điểm nổi bật của sinh viên giữa 3 quốc gia, Vừng cảm nhận được đức tính cần cù, luôn nỗ lực hết mình của sinh viên Việt, khả năng sáng tạo của các bạn nước Nhật và tinh thần khởi nghiệp của sinh viên Mỹ.“Xung quanh mình, bạn bè có rất nhiều dự án khởi nghiệp riêng. Cũng có thể do môi trường họ có nhiều công cụ giúp học sinh khởi nghiệp hơn như: trường khởi nghiệp, vườn ươm mầm khởi nghiệp”, Vừng cho biết thêm.

Nhắc đến tầm quan trọng của tiếng Anh, Vừng chia sẻ: “Mình rất biết ơn khi tiếng Anh không chỉ giúp mình kết nối với nhiều người trên thế giới mà còn là công cụ để tìm hiểu nhiều tài liệu học thuật giá trị”.

Ủng hộ người trẻ tìm kiếm con đường riêng 

Trong tương lai, Vừng tiếp tục sáng tạo nội dung về chủ đề giáo dục. Tuy nhiên, cô nàng không chỉ chia sẻ kiến thức của bản thân mà còn muốn mời thêm nhiều nhân vật khác. “Mình chỉ là cá nhân rất nhỏ bé trong giới học thuật hay giới du học sinh thôi. Rất nhiều người khác cũng có kinh nghiệm và điểm mạnh đáng để học hỏi”, cô nàng chia sẻ.

“Mình muốn tạo ra nội dung thúc đẩy và truyền động lực cho mọi người để tìm kiếm con đường riêng. Bất kể là khởi nghiệp, đi du học, hay học ở Việt Nam. Học ở đất nước nào cũng rất đáng quý!”, Vừng bộc bạch.

Bên cạnh phát triển kênh youtube, Vừng muốn dành thời gian cho các hoạt động nghiên cứu và khởi nghiệp. 

Khi được hỏi về dự định sau tốt nghiệp, cô nàng 2002 chia sẻ: “Đây có lẽ đây là câu hỏi bạn sinh viên nào cũng gặp khó khăn khi trả lời, bản thân mình cũng vậy. Mình cảm thấy khi sống trong xã hội kiến thức giao thoa với nhau, mình có nhiều kỹ năng áp dụng đa dạng công việc như: sản xuất nội dung, quảng bá sản phẩm công nghệ, nghiên cứu về thuật toán trên mạng xã hội”.

du-an-giao-duc-e-right-cho-nguoi-ti-nan-tai-thai-lan(1).jpeg
Dự án giáo dục E-right cho người tị nạn tại Thái Lan Vừng từng tham gia. Ảnh: NVCC
Bài liên quan
Nữ sinh giành học bổng 5,5 tỉ đồng và bài luận  bàn về nữ quyền
Bài luận của nữ sinh Vũ Nguyễn Mai Linh bàn về nữ quyền có trích câu thơ trong Truyện Kiều - "Đau đớn thay phận đàn bà" đã ghi điểm cao giành học bổng 5,5 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10x giành học bổng 7,2 tỷ và sứ mệnh tạo giá trị cho cộng đồng