Kết quả thăm khám và chỉ định cận lâm sàng giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán: Đột quỵ nhồi máu não.
Người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối (làm tan cục máu đông) nhưng do thể trạng không cải thiện nên chỉ định cấp cứu can thiệp mạch não là giải pháp tối ưu.
Khuyến cáo về việc tự ý dừng thuốc chống đông
Theo bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Anh Minh – Khoa Cấp cứu & Điều trị tích cực, Trung tâm Đột qụy, thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn chặn sự hình thành huyết khối. Thuốc được chỉ định trong phòng ngừa và điều trị các bệnh lý như đột quỵ rung tâm nhĩ, huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi,…
Tuy nhiên, các thuốc chống đông máu đều là những thuốc kê đơn, người bệnh không được tự ý sử dụng mà phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa.
Khi đã được bác sĩ điều trị kê đơn thuốc chống đông, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị, không tự ý dừng thuốc chống đông, tăng hay giảm liều thuốc; bởi, tự ý bỏ không uống thuốc có thể dẫn đến hiện tượng hình thành cục máu đông và gây tắc mạch toàn thân.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thuốc chống đông, người bệnh cần lưu ý:
– Có nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc chống đông. Vì vậy không tự động uống hoặc ngừng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
– Khi đi khám các bệnh lý khác, hay phải nhổ răng, mua thuốc, cần thông báo rõ cho bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ loại thuốc chống đông máu mình hiện đang sử dụng.
– Nếu có biểu hiện nói khó, chóng mặt, đột ngột mất ý thức, vận động, cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế có chuyên khoa đột quỵ để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.
– Đối với người bệnh được chỉ định uống thuốc chống đông kháng vitamin K (như thuốc Sintrom, acenocoumarol): Chế độ ăn rau xanh nên ổn định, cân bằng giữa các bữa, vì các loại rau có lá xanh, rau họ đậu, rau họ cải (rau diếp, hành lá, rau dền, đậu nành, cải xoong, củ cải, …) có chứa nhiều vitamin K sẽ làm giảm tác dụng của thuốc chống đông kháng vitamin K. Không nên uống trà xanh, rượu.
– Người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút như đi bộ, đạp xe, bơi… Không nên tập các môn thể dục có khả năng va đập sẽ tăng nguy cơ chảy máu.
– Thêm một lưu ý, thuốc chống đông có tương tác với một số loại thuốc như aspirin, acetaminophen, thuốc chống nấm, thuốc chống rối loạn nhịp, những loại thuốc này có thể làm giảm hoặc tăng tác dụng của thuốc chống đông. Do vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, chúng ta cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.