Ưu điểm: Dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW.
Theo dữ liệu thống kê thời gian qua thì với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nữa số người hưởng BHXH một lần so với giai đoạn vừa qua, tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia BHXH bằng so với phương án 2 nhưng trong dài hạn thì phương án này tối ưu hơn.
Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia BHXH nên sẽ dễ nhận được sự đồng thuận hơn của người lao động.
Nhược điểm: do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực; đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong việc hưởng BHXH một lần.
+ Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhung tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.".
Ưu điểm: Đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài.
Mặc dù, số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành nhưng khi người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia); người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH với quyển lợi hưởng cao hơn; người lao động có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.
Nhược điểm: Chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Người lao động đã giải quyết một phần thời gian đóng, chỉ còn bảo lưu lại được một phần thời gian đóng nên sẽ ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chế độ BHXH (thời gian đóng ngắn) khi tiếp tục tham gia.
Người lao động không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác bị giảm quyền lợi trước mắt; đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi Luật có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Liên quan đến đề xuất này, Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Bạn đọc Lê Thái Sơn góp ý: "NLĐ ngoài nhà nước rất rất khó để sống và làm việc đến tuổi 60-62 nghỉ hưu. Trước tuổi 45-50-55 họ đã bị vắt kiệt sức khỏe cho cty xí nghiệp rồi. Họ là những người bị đào thải đầu tiên nếu như doanh nghiệp (DN) đó gặp khó khăn trong sản xuất. Điều quan trọng nhất là NLĐ họ đủ để biết cách tính lương hưu từ cách đóng của DN như thế nào. Nên có đủ điều kiện hưởng lương hưu thì họ cũng không mặn mà lắm vì lương hưu quá thấp. Họ muốn đóng cao nhưng công ty không đóng cho họ. NLĐ chỉ biết chấp nhận thôi. Trong khi Bộ LĐ-TB-XH, ban soạn thảo Luật BHXH... không chỉ rõ ra là làm sao để NLĐ không bị sa thải, không bị các DN làm khó khi tuổi đã cao, sức khỏe yếu dần... NLĐ chỉ biết tự bơi trong cuộc sống. Chấp nhận sự đào thải khắc nghiệt của DN ngoài nhà nước. Luôn chịu phần thua thiệt về mình dù có áp dụng bất cứ loại Luật nào".
Một bạn đọc giấu tên viết: "Tôi chỉ thắc mắc tại sao đóng BHXH 15 năm nhưng người thì được lĩnh lương hưu, người thì phải chờ đợi. Lao động nam 47 tuổi bắt đầu tham gia BHXH đến 62 tuổi nghỉ hưu là 15 năm thì được lĩnh ngay lương hưu. Nhưng người 18 tuổi đóng BHXH đến 33 tuổi thì lại không được lĩnh lương hưu mà phải chờ 29 năm mới được lĩnh lương hưu, mà chờ 1 năm bị trừ 2%, 29 năm thì mất 58% vậy còn gì để lãnh tiền không sinh ra thì phải giữ nguyên sao lại tự mất đi. Rút một lần không được, mà để lại thì mất đi rất khó xử cho người lao động. Nói là để dưỡng già nhưng trẻ không sống được thì làm gì có già để dưỡng. Vậy tại sao rút một lần cho 50% còn bảo lưu lại 50% vậy tại sao nếu không rút một lần thì cho bảo lưu 100% phải hay hơn không khi đó ắt sẽ có nhiều người không rút vì tiền được bảo lưu không bị trừ mất".
Bạn đọc Nguyễn Trung bày tỏ: "Thay vi dành nhiều thời gian nghiên cứu để ngăn hưởng một lần nên dành thời gian đó nghiên cứu làm sao để người lao động được hưởng những quyền lợi nhiều hơn khi về hưu một khi quyền lợi hấp dẫn người tham gia không dạy gì rút một lần. Cũng nên thông cảm cho người lớn tuổi khi mất việc khó mà xin được việc mới họ rút bảo hiểm làm vốn kinh doanh buôn bán nhỏ cũng tạo ra thu nhập thay vì cho họ cần câu hơn là cho họ con cá. Tự tạo ra nhu nhập hơn là lệ thuộc vào xã hội nhà nước cần nhiều tiền để lo cho lĩnh vực khác".