Để phát hiện sớm ung thư vú, bạn hãy để ý xem có khối u xuất hiện trên ngực, sự biến dạng núm vú, dịch chảy ra từ núm vú, có màu đỏ hoặc nổi mề đay không rõ nguyên nhân trên ngực của mình. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào.
Vậy đối tượng nên thực hiện sàng lọc sớm ung thư vú?
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, thông thường, sàng lọc ung thư vú dựa trên nguy cơ mắc ung thư vú của phụ nữ. Người ta có thể chia đối tượng sàng lọc ung thư vú thành hai nhóm nguy cơ là nhóm nguy cơ trung bình và nhóm tăng nguy cơ.
Nhóm tăng nguy cơ (nguy cơ tích lũy đến tuổi 75 là 15-20%):
+ Tiền sử gia đình (họ hàng bậc 1) có người mắc ung thư vú hoặc/và ung thư buồng trứng, vòi trứng, phúc mạc.
+ Có mẹ, chị em gái, hoặc con gái đã được xác định mang đột biến gen BRCA1/2
+ Tiền sử sinh thiết vú chẩn đoán tăng sinh không điển hình
+ Tiền sử mắc ung thư biểu mô thể tiểu thùy tại chỗ (LCIS)
+ Tiền sử xạ thành ngực điều trị ung thư trước tuổi 30
Ngoài ra, những phụ nữ đã được xác định có mang gen BRCA đột biến sẽ được xếp vào nhóm có yếu tố di truyền, cần có một chương trình sàng lọc, dự phòng và tư vấn đặc biệt.
Nhóm nguy cơ trung bình: Bao gồm những chị em phụ nữ trên 40 tuổi, không có bất kỳ dấu hiệu nào của nhóm yếu tố tăng nguy cơ.