3 vấn đề cần giải quyết trong tự chủ đại học

27/10/2023, 06:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều chuyên gia, đại diện cơ sở đào tạo thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của tự chủ đại học, đồng thời đề xuất giải pháp trong giai đoạn 2024-2030.

Còn vướng mắc

Tham luận của Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã chỉ ra, tự chủ đại học là hướng đi hiệu quả, mở ra nhiều triển vọng lớn cho mục tiêu xã hội hóa giáo dục.

GS.TSKH Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, với quyền tự chủ, mỗi trường đại học tự xây dựng, triển khai chiến lược và các mô hình, phương pháp đào tạo phù hợp nguồn lực, định hướng, thay vì hoạt động dưới một chiến lược chung trên toàn quốc.

Những năm qua, tự chủ đại học tại Việt Nam có chuyển biến tích cực, giúp cơ sở đào tạo phát huy tối đa nội lực, khả năng sáng tạo; từ đó phát triển tốt nhất nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng cho xã hội, đưa đất nước ngày một phát triển vững mạnh.

Tuy nhiên, dù thay đổi và đạt tín hiệu tích cực, song thực tiễn cho thấy, mô hình vận động toàn bộ nguồn lực xã hội vào xây dựng giáo dục đại học tại Việt Nam còn bất cập, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Cơ chế tự chủ và tăng học phí khiến nhiều thí sinh dù muốn học đại học nhưng gặp khó khăn về kinh tế nên phải tìm hướng đi khác.

Mặt khác, số lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc hay chấp nhận làm trái ngành còn chiếm tỷ trọng cao. Nhiều em do dự khi đứng trước quyết định học đại học hay học nghề, xuất khẩu lao động, đi làm lao động phổ thông. Hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy và học tại các trường đại học chưa đầu tư tương xứng.

Tại Hội thảo khoa học xin ý kiến dự thảo Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024 - 2030, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề xuất, cần giải quyết 3 vấn đề tự chủ: Mức thu học phí; đào tạo; bộ máy, nhân sự. Khi tự chủ tài chính, cơ sở giáo dục đại học được phép xây dựng định mức kỹ thuật và tự quyết định thu.

“Có ý kiến nói thu cao không tuyển sinh được, đó là việc các trường phải cân nhắc. Cho phép trường tự chủ thì phải tự nâng cao chất lượng, nếu thu cao không tuyển sinh được sẽ tự chịu trách nhiệm”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nêu ý kiến đồng thời nhấn mạnh về đề xuất trên.

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong giờ thực hành. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong giờ thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Con người là nhân tố quyết định

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội gợi mở, cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản, phù hợp sứ mạng nhằm nâng thương hiệu, khả năng cạnh tranh, uy tín, tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước. Trong đó, cần chú trọng yếu tố, giải pháp quan trọng như đổi mới quản trị. Đây được coi là chìa khóa thành công.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng phân tích, quản trị chia sẻ là mô hình phù hợp cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ. Các cơ sở giáo dục đại học cần thực thi tốt và phân chia quyền lực hài hoà giữa Đảng ủy - Hội đồng trường – Ban giám hiệu.

Thực hiện việc phân quyền, cấp gắn với trách nhiệm đơn vị, cá nhân; cần nghiên cứu, triển khai, vận dụng sáng tạo mô hình quản trị doanh nghiệp trong quản trị nhà trường như: Xây dựng và triển khai hệ thống KPI, OKR (quản trị theo mục tiêu và kết quả) với các bộ chỉ số hoạt động chính gắn với mục tiêu chiến lược.

Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, con người là nhân tố quan trọng và quyết định việc thực thi chiến lược thành công. Để triển khai chiến lược, tự chủ đại học thành công, không chỉ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mà cán bộ viên chức đều đóng vai trò quan trọng. Nội dung, chính sách thực thi chiến lược gắn với tự chủ phải thấm nhuần chi tiết, đến được tất cả, nhất là đội ngũ giảng viên.

Cơ sở giáo dục đại học cần triển khai chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường xuyên và phù hợp; có chính sách, chiến lược thu hút, tuyển dụng đãi ngộ cán bộ trẻ, tài năng, nhà khoa học xuất sắc, cán bộ lãnh đạo quản lý đủ tâm và tầm.

Mọi chiến lược phát triển và triển khai tự chủ đại học phải hướng đến người học, vì lợi ích người học và phục vụ người học, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh: Cơ sở giáo dục đại học cần đổi mới, phát triển chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học; trong đó người học phải là trung tâm của hệ sinh thái đào tạo – nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Để thực sự trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gợi ý, cần tháo gỡ rào cản về pháp lý.

Hội đồng trường chỉ thực sự là “cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học” (theo Nghị quyết 19/NQ-TW) nếu cơ cấu thành phần phản ánh đúng vai trò chủ sở hữu. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp quy Nhà nước phải thể hiện rõ vai trò, mối quan hệ giữa các bên liên quan trong cơ sở giáo dục đại học công lập như: Cơ quan quản lý Nhà nước, chủ quản, hội đồng trường, đảng ủy, ban giám hiệu…

“Cần triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới mô hình công nghệ dạy và học, lấy người học làm trung tâm, tối ưu hóa nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 vấn đề cần giải quyết trong tự chủ đại học