Hành vi không phải là con người nhưng đôi khi chúng ta thường chú trọng vào hành vi mà khái quát lên con người. Ví dụ trong lúc nóng giận, con cãi lại cha mẹ một câu thì liền bị quy kết là "thằng này láo". Con trót dại một lần lần trộm tiền thì bị nói là "đồ ăn trộm ăn cắp".
Cha mẹ nên phê bình hành vi của con chứ không phải con người con. Ảnh minh họa
Thực tế, những hành vi ấy không phải là con người đích thực của trẻ. Mỗi đứa trẻ đều là một bản thể thiêng liêng, đẹp đẽ, nhân ái, trung thực. Hành vi xấu là do những ký ức tổn thương khiến trẻ mắc kẹt.
Chính vì vậy, khi con phạm lỗi, điều cha mẹ cần phê bình là hành vi của con chứ không phải con người của con. Thay vì nói "thằng này láo", "đồ trộm cắp", hãy nói "cãi lời cha mẹ/trộm tiền là không tốt". Qua đó, con sẽ biết mình cần thay đổi ra sao để trở nên tốt hơn, chứ không bị dán những cái mác xấu như "hư đốn", "trộm cắp", hình thành những ký ức xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Không bao che khi con phạm lỗi
Khi các con xảy ra cãi vã, nhiều cha mẹ có xu hướng quát mắng đứa lớn với lý do "lớn rồi phải nhường em" dù lỗi sai thuộc về đứa bé. Cũng có trường hợp trẻ có hành vi xấu như nhặt được cục tẩy, cái bút của bạn không trả, lấy đồ của bạn đem về, nhưng cha mẹ lại nghĩ là con khôn ngoan, nhanh nhẹn "không để mất cái gì, chỉ có thêm vào".
Những cách ứng xử này của cha mẹ đều là bao che hành vi xấu của con. Trẻ nhỏ có những hành vi sai trái mà bản thân chúng cũng không nhận ra. Là cha mẹ, phụ huynh không nên bao che mà cần nghiêm khắc dạy bảo, phân tích cho trẻ hiểu cái sai của mình để thay đổi tốt hơn.
Không chê trách con trước mặt người khác
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, chê trách con trước mặt người khác sẽ khiến con tự ái, từ đó quyết tâm thay đổi, không phạm lỗi nữa. Thực tế, phương pháp này không giải quyết được vấn đề mà còn phản tác dụng.
Trách mắng con trước mặt người khác hoặc ở nơi công cộng khiến con cảm thấy không được tôn trọng, xấu hổ và tổn thương tinh thần. Không những không giúp con hiểu ra lỗi sai và cải thiện hành vi, cách này còn khiến con tức giận, chống đối.
Con cái cần được cha mẹ tôn trọng ngay cả khi phạm lỗi. Thay vì chỉ trích con trước mặt người khác, cha mẹ nên trò chuyện riêng tư với con để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, rồi tìm cách giải quyết vấn đề một cách tôn trọng và xây dựng nhất.