Tập thể dục được chứng minh có tác động tích cực giúp giảm lượng đường trong máu; giữ cho đường huyết ổn định. Người trưởng thành được khuyến cáo vận động ít nhất 150 phút/tuần, tránh ngồi một chỗ quá lâu. Một số bài tập, bộ môn có thể cải thiện đường huyết như đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội, đạp xe,... Việc duy trì cân nặng ổn định cũng làm giảm nguy cơ béo phì và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Ăn uống nhiều chất xơ, quản lý lượng tinh bột
Với những người mắc bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường hoặc đang cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu thì chế độ ăn nhiều chất xơ với các loại rau lá xanh như rau họ cải, súp lơ, rau chân vịt, rau cải xoăn, măng tây,... cùng các loại ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám là sự lựa chọn tối ưu. Điều quan trọng chính là quản lý lượng tinh bột nạp vào vì nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường huyết.
Các loại thực phẩm giàu chất xơ, chất chống oxy hoá có chỉ số đường huyết thấp, không làm tăng lượng đường trong máu và kiểm soát phản ứng insulin. Ngoài ra bận cần tránh lạm dụng đồ ăn nhanh cũng như đồ ăn có quá nhiều đường, muối dẫn đến ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Uống nhiều nước
Uống đủ nước có thể giúp lượng đường trong máu ở mức khoẻ mạnh, ngăn ngừa tình trạng mất nước, giúp thận thải được lượng đường dư thừa qua nước tiểu. Bạn nên uống nước lọc hoặc các loại nước không calo, tránh đồ uống có ga, có cồn hoặc quá nhiều đường.
Cố gắng hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc
Khi bị căng thẳng, cơ thể bạn tiết ra các hormone glucagon và cortisol khiến lượng đường trong máu tăng cao. Một số nghiên cứu đã chỉ ra thư giãn và thiền định, tập yoga làm giảm đáng kể căng thẳng và lượng đường trong máu.
Ngủ đủ giấc đem lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, trong khi việc ngủ ít, thiếu nghỉ ngơi ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và độ nhạy insulin, tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến tăng cân, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Theo Healthline, Allrecipe