Bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà (bên phải) cùng nhóm bị cáo trong vụ án.
Ban nội chính Trung ương đề nghị xem xét đơn
Luật sư Phan Quốc Thắng, Giám đốc Công ty luật TNHH Faith (bào chữa cho bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà) cho biết, đã gửi đơn đến nhiều cơ quan như Ban Nội chính Trung ương, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, TAND tỉnh Bắc Ninh, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến vụ án, trong đó có nội dung bà Chu Thị Ngọc Ngà cùng 4 bị cáo không phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Ngày 11/7/2023, Ban Nội chính Trung ương có công văn gửi Viện KSND Tối cao liên quan đến những lá đơn của luật sư Phan Quốc Thắng. Công văn cho biết “sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ vào quy định của pháp luật, Ban Nội chính Trung ương gửi đơn tới Viện KSND Tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; thông báo kết quả giải quyết cho Ban Nội chính Trung ương”.
Theo luật sư Phan Quốc Thắng, tại thời điểm 2017 - 2020 cơ cấu cổ phần tại Công ty Tây Hồ có 49,91% vốn điều lệ của cổ đông ngoài nắm giữ (cán bộ, nhân viên, người ngoài công ty), số vốn còn lại (50,09%) thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần nắm giữ.
Theo luật sư Thắng, tại thời điểm này Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần, là doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước, mà không phải doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.
Một điểm nữa là sau khi cổ đông Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần mua 50,09% vốn điều lệ Công ty Tây Hồ, số tiền góp vốn này đã được chuyển quyền sở hữu tài sản, từ sở hữu của cổ đông góp vốn (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần) sang sở hữu của doanh nghiệp (Công ty Tây Hồ) theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014 (điểm b, khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020), nghĩa toàn bộ tiền góp vốn của cổ đông theo Luật Doanh nghiệp là "Tài sản của Công ty Tây Hồ" mà không phải là "Tài sản Nhà nước" và Công ty Tây Hồ cũng là doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
"Có nghĩa tài sản của Công ty Tây Hồ, là tài sản của doanh nghiệp ngoài Nhà nước, cổ phần góp vốn của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần vào Công ty Tây Hồ 'không phải vốn Nhà nước' mà là 'vốn của công ty cổ phần có vốn nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp khác' theo nội dung trả lời của Chính phủ trên Báo Điện tử Chính phủ ngày 29/11/2018", luật sư Thắng phân tích.
Vẫn theo luật sư Thắng, tại Công ty Tây Hồ giai đoạn 2015 - 2020, không có ai là người được Bộ Xây dựng, hoặc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ủy quyền giao vốn bằng văn bản. Do đó, tại Công ty Tây Hồ 'không có Người đại diện vốn Nhà nước' mà chỉ có bị cáo Đặng Quang Tuấn, bị cáo Tân Tú Hải là người được Tổng công ty Xây dựng Hà Nội ủy quyền giao vốn, tức là 2 người này là 'Người đại diện phần vốn của cổ đông' Tổng công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Tây Hồ.
Với bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà và Nguyễn Tấn Hoàng, luật sư Thắng cho rằng, họ còn không phải là người được Công ty Tây Hồ giao quản lý, sử dụng tài sản và cũng không có quyền quyết định đối với tài sản Công ty Tây Hồ. Vì vậy, hai người này không có quyền và không chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản Công ty Tây Hồ.