Có một số hành vi của trẻ là phản ứng tự nhiên trong quá trình lớn lên, cha mẹ hiểu được sẽ thấy con mình không phải vô cớ có hành vi gây khó chịu.
Khi trẻ được 2 tuổi, nhiều cha mẹ than phiền con mình bỗng nhiên thay đổi và bắt đầu làm những hành động rất khó chịu. Trong trường hợp này, cha mẹ thường được khuyên nên gặp các chuyên gia để giải đáp các vấn đề của trẻ. Tuy nhiên, có một số hành vi của trẻ không thực sự xấu tới mức cần chuyên gia giúp đỡ.
Dưới đây là một số hành vi của trẻ có thể khiến cha mẹ nổi giận nhưng trong mắt các chuyên gia thì đó lại là điều bình thường.
Một đứa trẻ đang ngoan ngoãn bỗng nhiên bắt đầu từ chối mọi thứ cha mẹ đưa, chúng không chịu ngay cả khi đó là thứ mình thích.
Chuyện gì đang xảy ra:
Thông thường, giai đoạn này cho thấy đứa trẻ đã bắt đầu nhận ra rằng chúng có thể khẳng định bản thân. Điều này thường xảy ra khi một đứa trẻ được 2,5 đến 3 tuổi. Trẻ nhận ra mình là một cá thể độc lập chứ không phải là một phần của cha mẹ nên cố gắng có tiếng nói của bản thân.
Cần làm gì:
Cha mẹ cần kiên nhẫn, đừng đè nén tinh thần phản kháng của con mình. Cha mẹ hãy để con mình tự đưa ra quyết định và độc lập hơn. Ví dụ, trẻ muốn tự mình quyết định mặc đồ gì khi ra đường thì cũng được. Bằng cách này, trẻ sẽ tự tin và tin tưởng cha mẹ hơn.
Ảnh: Happiestbaby
Nhiều đứa trẻ thích hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi nhiều lần, làm phiền cha mẹ. Lúc này, cha mẹ không thể hiểu nổi con mình muốn gì, trong khi trẻ lại bực bội vì không nhận được câu trả lời. Hành vi này dễ khiến cha mẹ mất bình tĩnh và nổi giận.
Chuyện gì đang xảy ra:
Trẻ muốn đảm bảo rằng câu trả lời luôn nhất quán, đặc biệt khi chúng nhận được thông tin mới. Đôi khi trẻ hỏi lại nhiều lần để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Trẻ nhỏ có khả năng tập trung và hiểu biết còn hạn chế. Vì vậy, chúng cần được lặp đi lặp lại câu hỏi để củng cố và ghi nhớ thông tin.
Cần làm gì:
Cha mẹ cần nhớ rằng, việc lặp lại như thế này là bước quan trọng trong việc nói chuyện. Cha mẹ nên khuyến khích con mình nói nhiều hơn và hành vi này sẽ sớm kết thúc.
Thông thường, thời gian ngủ sẽ cố định mỗi ngày nhưng có lúc trẻ sẽ giật mình thức dậy lúc nửa đêm và òa khóc. Hành vi này xảy ra liên tiếp sẽ khiến cha mẹ dễ phát cáu lúc nửa đêm.
Chuyện gì đang xảy ra:
Trẻ nhỏ thường có chu kỳ ngủ ngắn và không sâu. Ngoài ra, trẻ nhỏ dễ bị ác mộng, đặc biệt là trong những giai đoạn phát triển quan trọng. Khi giật mình tỉnh dậy lúc nửa đêm, chúng cảm thấy sợ hãi, cần được an ủi. Trẻ nhỏ thường thức dậy vì đói hoặc khát, đặc biệt là nếu chúng chưa ăn tối no hoặc uống đủ nước.
Cần làm gì:
Khi trẻ thức dậy và khóc, cha mẹ nên an ủi và đáp ứng nhu cầu của trẻ một cách nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp trẻ nhanh chóng trở lại giấc ngủ và cảm thấy an toàn.
Ảnh: Thesaltymamas
Vào buổi sáng, bạn cần phải đưa con đến lớp mẫu giáo và đi làm nhưng đứa con lại ném bữa sáng, la hét, chạy nhảy, không đánh răng. Tất cả những hành vi này dễ dàng khiến người mẹ nổi giận.
Chuyện gì xảy ra:
Trẻ có thể cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng về việc phải đi học, hoặc những thay đổi trong lịch trình thường ngày. Hơn nữa, khi trẻ thức dậy thông thường sẽ đầy năng lượng, vì thế chúng thích hoạt động một lúc, thường là chơi đùa sau đó mới sẵn sàng để ăn sáng.
Cần làm gì:
Cha mẹ cần xem xét lại lịch trình của mình, bạn có thể thức dậy sớm hơn một chút để chơi đùa cùng với con, sau đó mới dọn bữa sáng ra. Nếu không, bạn có thể để trẻ chơi ít nhất 15 phút trước khi cho ăn sáng và đưa đi học.
Hôm nay bạn không cho phép con xem hoạt hình, chúng bắt đầu la hét và khóc, vì vậy bạn đã phạt chúng vì hành vi xấu này. Tuy nhiên, có thể vì hôm qua bạn đã cho con xem hoạt hình thoải mái trong suốt 3 tiếng để chúng không làm phiền lúc mình bận rộn.
Chuyện gì xảy ra:
Trẻ em luôn nhớ những gì cha mẹ đã làm với mình, đặc biệt liên quan tới các hoạt động giải trí. Vì thế, chúng sẽ không hiểu vì sao hôm qua mẹ cho mình xem TV thoải mái nhưng hôm nay lại không. Do không thỏa mãn được nhu cầu nên chúng sẽ chán nản và khóc.
Cần làm gì:
Cha mẹ không nên thay đổi các quy tắc mình đã đặt ra, điều đó có thể làm xáo trộn những thứ đã hình thành trong tâm trí của trẻ.