Đặc biệt, thịt dê là một trong những loại thực phẩm có khả năng cải thiện khả năng sinh lý của nam giới.
Món ăn sử dụng thịt dê: Đương quy 30g, gừng tươi 60g, thịt dê 700g, rượu trắng 50ml. Đem đương quy, gừng tươi rửa sạch. Cho tất cả cùng thịt dê đã thái lát, rượu trắng vào trong nồi hầm, nước vừa đủ, hầm trong khoảng 1 - 2 giờ, sau đó có thể nêm nếm gia vị cho phù hợp.
Nếu như những món ăn ở phần trên thích hợp cho người bệnh thể trạng nóng, thì món ăn này thích hợp cho người thể trạng hàn, hay sợ lạnh, đau bụng đi lỏng…
Bí ngô phù hợp với người huyết hư.
2. Món ăn bổ huyết có nguồn gốc từ thực vật
- Bí ngô: Trong y học cổ truyền, quả bí ngô có vị ngọt tính ấm, thường được dùng làm món ăn thực dưỡng cho những người bệnh huyết hư, đặc biệt thuộc hội chứng tâm huyết hư gây ra những triệu chứng của suy nhược thần kinh.
Trong bí ngô có khá nhiều acid glutamic, là một chất đóng vai trò quan trọng trong các chu trình chuyển hóa của thần kinh. Cứ đến mùa thi, chúng ta lại thấy các sĩ tử thường được sử dụng món ăn liên quan tới bí ngô là vậy.
Món ăn súp bí ngô: Bí ngô 300g, hành tây, bơ lạt, gia vị vừa đủ (dầu olive, sữa tươi, tỏi…). Bí ngô đem bỏ vỏ, hạt, rồi thái nhỏ. Phi thơm hành với bơ rồi thêm nước vừa đủ, cho bí ngô vào cháo đợi đến khi bí ngô mềm ra thì có thể dầm nát hoặc cho vào xay trong máy rồi nêm nếm thêm gia vị phù hợp khẩu vị.
Long nhãn cũng là một vị thuốc thường dùng để điều trị các trường hợp tâm huyết hư.
- Long nhãn: Trong "Lĩnh Nam bản thảo - Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh", Hải Thượng Lãn Ông viết: "Long nhãn tục gọi là quả nhãn, ngọt bình không độc, tính ôn hòa, bổ ích tâm tỳ, thêm tuổi già". Nhãn cũng là một vị thuốc thường dùng để điều trị cho các trường hợp tâm huyết hư gây các chứng mất ngủ, hay quên, giảm trí nhớ, chóng mặt, ăn uống kém… Nếu chế thành long nhãn thì càng quý.
Có thể sử dụng chè long nhãn nấu hạt sen: Hạt sen tươi 200g, long nhãn 100g, đường phèn 200g. Ngâm long nhãn với nước trước cho mềm, nở khoảng 10 – 15 phút. Tiếp đó, luộc hạt sen cho chín mềm rồi thêm đường vào nấu chung cho sen ngọt, vớt ra để nguội. Hạt sen và long nhãn cho vào nấu cùng nước sen một lúc rồi dùng. Khi ăn dùng lượng vừa đủ.
Dâu ta - một vị thuốc bổ huyết.
- Dâu ta: Khi nhắc tới các vị thuốc bổ huyết để làm đen râu tóc, người ta thường nhắc tới hà thủ ô, tuy nhiên còn vị thuốc khác rẻ hơn mà cũng có khả năng bổ huyết, đen râu tóc, đó chính là dâu ta. Dâu ta còn tên gọi khác là tang thầm, để thu hái, người ta sẽ lấy quả dâu chín vào tháng 5 - 6 rồi phơi khô để dùng dần trong năm.
Có thể chế biến dâu ta thành siro dâu như sau: Dâu ta 1kg, đường 1kg, lọ thủy tinh sạch. Dâu ta rửa sạch rồi phơi khô. Rải lên lọ thủy tinh các lớp lần lượt dâu nằm dưới, đường phủ ở trên sao cho kín. Có thể làm thành 4 - 6 lớp tùy độ cao của lọ. Ủ trong 1 - 2 tuần là có thể sử dụng. Phần nước chắt vào chai dùng dần, phần bã có thể dùng làm mứt.