Trên 73% số vụ cháy tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm xảy ra do sự cố hệ thống, thiết bị điện.
Thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, 6 tháng năm 2024 đã xảy ra 594 vụ cháy, làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó 4 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng...
Nguyên nhân các vụ cháy được xác định do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hơn 10%; do vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) 0,34% và các nguyên nhân khác.
Lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trực tiếp triển khai chữa cháy 289 vụ, chiếm hơn 48% tổng số vụ cháy. Còn lại hơn 51% số vụ cháy do lực lượng tại chỗ dập tắt. Hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy nổ, CHCN bảo đảm thông suốt 24/24h, 100% tin báo cháy, sự cố, tai nạn được tiếp nhận và xử lý theo quy định...
Đáng chú ý, qua rà soát, toàn thành phố còn gần 3.000 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Hầu hết các cơ sở đã cam kết lộ trình thời hạn khắc phục. Đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành kiểm tra đối với 36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn, đạt 100%, xử phạt 3.134 trường hợp, tạm đình chỉ 672 trường hợp, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, yêu cầu 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Thời gian gần đây, các vụ cháy trên địa bàn Hà Nội thường liên quan đến loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà trọ, chung cư,...
Theo thống kê, 9 tháng trở lại đây, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ... Trước diễn biến phức tạp này, thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, công văn về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này chưa được khắc phục, dẫn đến nhiều vụ cháy làm chết nhiều người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã còn có tư tưởng "thoái thác", "trông chờ" vào lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Thêm vào đó, nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC; còn tư tưởng lơ là, chủ quan, đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà không quan tâm đến đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn PCCC…
Điều đáng mừng là người dân đang dần chủ động hơn trong công tác chữa cháy ban đầu, thể hiện trong việc quá nửa số vụ cháy được lực lượng cơ sở tiếp cận và khống chế được trước khi lực lượng chức năng đến nơi.
Theo Thành ủy Hà Nội, cần tập trung xây dựng, sớm hoàn thiện "Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030"...
Trước mắt thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC, như: Tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở; trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC... Đồng thời Xử lý các công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC và CNCH tại các khu dân cư, các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao…Xem thêm video được quan tâm: