Dù việc đào hầm được bảo mật gần như tuyệt đối nhưng quân Đức Quốc xã cuối cùng vẫn phát hiện ra đường hầm Tom. Chúng gọi các thợ ảnh tới chụp lại đường hầm rồi phá hủy nó.
Trong lúc mải ăn mừng về việc phát hiện ra đường hầm Tom, quân của Hitler không thể ngờ nhóm tù nhân vẫn còn 2 đường hầm khác.
Các tù nhân biến đường hầm Dick thành một kho chứa và dồn toàn lực vào đường hầm Harry. Tháng 3/1944, đường hầm Harry hoàn thành với chiều dài 102m, rộng 0,6m và có đèn giăng kín kèm một hệ thống thông khí tự chế.
Ban đầu, đường hầm có thể sử dụng vào ngày 14/3, nhưng Bushell và những người lãnh đạo nhóm vượt ngục muốn đợi một đêm nhiều mây và không trăng để thuận lợi nhất cho cuộc đào tẩu. Ngày 24/3, điều kiện thời tiết thuận lợi đã đến và cuộc chạy trốn diễn ra.
Khoảng 22h30, 200 tù nhân sẵn sàng cho cuộc vượt ngục tại phòng giam tập thể số 104. Tuy nhiên, một vấn đề đã xảy ra. Nhiệt độ thấp khiến tuyết rơi dày và đóng băng lớp đất bề mặt ở khu vực đầu ra của đường hầm, buộc những tù nhân phải mất hơn 1 tiếng để phá băng.
Khi giải quyết được lớp băng, một vấn đề khác nảy sinh. Các tù nhân phát hiện đầu ra đường hầm chưa tới bìa rừng và chỉ cách tháp canh của quân Đức 13m. Điều này gần như khiến cả nhóm có ý định quay trở lại chờ thời cơ khác. Tuy nhiên, giấy tờ giả mạo đã được đóng dấu ngày tháng và sẽ vô giá trị nếu không được dùng ngay.
Cuối cùng, cả nhóm vẫn làm theo kế hoạch. Lần lượt, từng người một chui ra khỏi đường hầm và bò vào rừng. Tiến độ rất chậm. Trung bình, cứ sau 6 phút mới có một người tới rừng an toàn. Tốc độ này lâu hơn so với con số 2 phút/người như dự tính.
Tệ hơn, một cuộc ném bom gần đó buộc quân Đức phải cắt điện. Điều này khiến quá trình vượt ngục bị gián đoạn theo.
Mục tiêu 200 người vượt ngục không thể hoàn thành. Nhóm vượt ngục quyết định số người bỏ trốn sẽ rút gọn còn 87 nhưng sự cố bất ngờ xảy ra khi tới lượt người thứ 77.
Khoảng 5h sáng, một lính Đức đi tuần phát hiện những vệt bùn đất trên tuyết ở bên ngoài khu phòng giam. Khi tới gần hơn, lính canh này phát hiện một tù nhân đang bò trên tuyết. Ngay lập tức, tên này bắn chỉ thiên, báo động cho lính gác. Chuông báo động vang lên khắp nhà tù. Đèn pha chiếu rọi mọi nơi. Quân Đức bắt giữ 4 tù nhân ở lối ra của đường hầm. Trước khi bị bắt, nhóm này kịp báo động cho các tù nhân còn lại. Ở phần lối vào đường hầm, các tù nhân chờ trốn thoát bắt đầu hủy giấy tờ giả, bản đồ, và la bàn.
Một cảnh trong bộ phim The Great Escape (Cuộc đào thoát vĩ đại) dựa trên câu chuyện có thật về cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Stalag Luft III năm 1944. Ảnh: Getty
Lính canh Đức buộc toàn bộ tù nhân ra khỏi phòng giam và cố xác định xem những người bỏ trốn là ai. Các tù nhân cố hết sức để câu giờ cho bạn tù bằng cách khai tên giả và đi lảng vảng xung quanh. Tuy nhiên, khi bị dọa giết, họ buộc phải khai sự thật.
Trong vài giờ, toàn bộ khu vực nhà tù Stalag Luft III đặt trong tình trạng báo động cao.
Đức Quốc xã huy động một cuộc truy lùng lớn. Chúng dựng rào chắn, tăng cường tuần tra biên giới và lục soát các khách sạn cũng như trang trại.
Trong 2 tuần, quân Đức bắt được 73 tù nhân vượt ngục. Chỉ có 3 người trốn thoát thành công, trong đó 2 người Na Uy trốn trên một máy bay chở hàng đến Thụy Điển và một người Hà Lan đến Gibraltar bằng đường sắt và đi bộ.
Phẫn nộ vì cuộc vượt ngục, Hitler ban đầu ra lệnh xử tử toàn bộ 73 tù nhân. Nhưng sau đó, khi nghe các tướng lĩnh lập luận rằng làm như vậy sẽ dễ bị quân Đồng minh trả đũa với các phi công Đức bị bắt, Hitler ra lệnh mới: Xử tử 50 tù nhân để răn đe những người khác.
Một số thành viên Gestapo, lực lượng cảnh sát mật của Hitler, đã đưa 50 tù nhân tới một địa điểm bí mật để hành quyết. Những người còn lại được đưa đến trại tập trung Sachsenhausen và lâu đài Colditz.
Sau chiến tranh, 18 thành viên Gestapo bị đưa ra xét xử vì phạm tội ác chiến tranh khi hành quyết các tù nhân chiến tranh bị bắt lại. 13 thành viên trong số này bị xử tử.
-------------------------
Tại một nhà tù an ninh nghiêm ngặt bậc nhất của Đức Quốc xã, các tù nhân phe Đồng Minh đã sử dụng một kế hoạch tinh vi để qua mắt các lính canh. Thậm chí, họ còn đào hầm giữa ban ngày và ngay trước mắt lính canh Đức. Bài đăng ngày 10/7 sẽ viết về cuộc vượt ngục tinh vi và đầy kịch tính này.
XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên12