Bệnh viện Phổi Trung ương huy động khoảng 80 người tham gia vào ca ghép tạng. Đồng thời nhận được sự hỗ trợ của bệnh viện 108, của GS.TS Lê Ngọc Thành, hiệu trưởng Đại học Y Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và TS Nguyễn Công Hựu, giám đốc Bệnh viện E là các chuyên gia về phẫu thuật tim mạch.
Ca phẫu thuật được thực hiện ngày 9/2 (30 Tết), kéo dài 12 giờ (từ 10h tới 22h). Sau mổ, người bệnh tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và kíp ghép phổi. Ngay trong ngày đầu tiên, người bệnh phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.
Chuyên gia đánh giá, ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ. Chuyên gia phải đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận chặt chẽ. Quy trình lấy phổi và ghép phổi phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, dược, huyết học, miễn dịch, phục hồi chức năng, dinh dưỡng. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.
Ca phẫu thuật trên được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF là một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và uy tín nhất tại Hoa Kỳ.