Đồng thời, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, các cơ sở GD&ĐT triển khai thực hiện Chỉ thị tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.
Năm học này, toàn ngành cũng triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022 - 2026. |
Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên
Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ năng dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và tổ chức tập huấn cho gần 9.000 giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố.
Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đặc biệt là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được phê duyệt.
Đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non đạt 91,7%; tiểu học đạt 74,8%; trung học cơ sở đạt 86,1%; trung học phổ thông đạt 99,9%.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022 - 2026.
Bộ GD&ĐT đồng thời đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm nâng cao đời sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập nhằm khắc phục hậu quả do dịch Covid-19.
Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội. |
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục
Bộ GD&ĐT đã ban hành các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học phổ thông, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục khi lập kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên các thiết bị phục vụ cho các lớp học đã thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến cho học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Hiện nay, cả nước có khoảng 459.100 phòng học các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 390.834 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 85,1%.
Tỷ lệ phòng học/lớp ở cấp tiểu học là 0,96; cấp THCS là 0,87; cấp THPT là 0,93. Tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp là 0,79.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT như chính sách phát triển giáo dục mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; phát triển đội ngũ nhà giáo; tự chủ đại học...
Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch, trong đó đã phân công và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và phát triển GD&ĐT.
Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thực hiện, trong đó tập trung vào những vấn đề nóng dư luận phản ánh; từng bước chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nề nếp trong các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành
Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030", với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.
Cùng với đó, thực hiện tích hợp, công khai Dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục Mầm non năm 2022” trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã tích cực tham gia thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, lồng ghép với Phong trào thi đua đặc biệt “Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học”.
Nhiều nhà giáo có những sáng tạo, đổi mới trong công tác giảng dạy để vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.
Qua phong trào thi đua đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học.