9 giờ sáng, Alita được lệnh gặp kẻ cầm đầu nhóm Chó sói mà cô chỉ biết hắn dưới cái tên Canis. Sau vài lời khen ngợi, Canis bảo Alita “tìm kiếm những bé trai tuổi từ 10 đến 16 vì loại hàng này hiện nay rất được ưa chuộng”. Theo Alita, những kẻ đồng tính giàu có ở Mỹ sẵn sàng trả 500 hoặc 1.000 USD cho mỗi lần “quan hệ”. Cô nói: “Phần lớn trẻ em nam, nữ Mỹ Latin đến Mexico vì nghe tuyên truyền rằng trẻ vị thành niên nếu không có người thân đi cùng, sẽ dễ dàng được nước Mỹ chấp thuận cho định cư. Trong khi chờ đợi cơ hội, các em làm nhiều nghề, chủ yếu là lao động chân tay để kiếm sống. Cũng không thiếu trẻ trộm cắp, cướp giật hoặc bán lẻ ma túy trên đường phố”.
Tuy nhiên, khác với những thiếu nữ đồng ý làm nghề mại dâm nếu vào được nước Mỹ thì với trẻ em trai, số ưng thuận lại rất ít mặc dù Alita đã cho chúng ăn, thậm chí mua cho chúng đôi giày, đồ chơi, quần áo. Alita nói: “Tôi phải xác nhận những đứa trẻ mà tôi gặp gỡ đồng ý hoạt động mại dâm nam. Tất cả những lời bọn trẻ nói đều được ghi âm vì đó là bằng chứng. Nếu không, bọn Chó sói sẽ phản bác rằng chúng bị vu khống. Khi ấy, các cơ quan bảo vệ luật pháp cả Mỹ lẫn Mexico chỉ có thể kết tội buôn người hoặc nhẹ hơn: Đưa người nhập cảnh trái phép”.
Đến hết buổi chiều ngày thứ 5, trong hơn 60 trẻ mà Alita gặp gỡ, chỉ 3 trẻ đồng ý tham gia đường dây mại dâm nam khi đã vào Mỹ. Kết quả ấy không làm cho Canis, kẻ cầm đầu băng nhóm Chó sói hài lòng. Hắn nói với Alita: “Tăng tốc lên, cô bé! Mỗi ngày chúng tôi phải tốn rất nhiều tiền để vỗ béo chúng, chưa kể giữ chúng lâu dài sẽ dễ bị lộ…”. Theo Alita, từ khi phong trào vượt biên vào Mỹ bùng nổ, thành phố Tijuana đã mở rộng về phía bắc, giáp với biên giới bang California. Rất nhiều những khu nhà trọ được cấp tốc xây dựng nhằm phục vụ cho di dân trong khi chờ ngày lên đường đồng thời nó cũng trở thành tâm điểm của hoạt động mại dâm, buôn người và ma túy. Cô nói: “Việc đột nhiên biến mất của nhiều trẻ em trai, gái xảy ra thường xuyên đến nỗi không còn làm ai ngạc nhiên. Trước mặt tiền của nhiều nhà trọ, nhan nhản những tờ giấy thông báo tìm người mất tích”. Văn phòng bảo vệ trẻ em trực thuộc chính quyền thành phố Tijuana cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 300 bà mẹ đến nhờ tìm kiếm con họ, phần lớn là trẻ em gái, tất cả đều ở độ tuổi từ 8 đến 17 và đều thuộc dạng di dân đang tìm cách vượt biên. Alita nói tiếp: “Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vừa rồi, các tổ chức bảo vệ Nữ quyền cùng gia đình của các cô gái mất tích đã tuần hành qua các đường phố Tijuana và Mexicali. Tại Tijuana, người tuần hành đã đập vỡ cửa sổ nhiều cửa hàng, phun sơn lên các tượng đài và bến xe buýt đồng thời bao vậy tòa nhà chính quyền thành phố. Trên các bức tường, họ viết: “Fuimos Todas - Tất cả chúng ta đều là nạn nhân” nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở đó, Khả năng rất cao là bọn trẻ đã bị các đường dây bắt cóc, đưa vào Mỹ rồi bán cho các nhà chứa vì tại Tijuana, có không dưới 20 băng nhóm làm công việc này…”.
Bắt giữ nhóm Chó sói khi vừa vượt qua hàng rào biên giới Mexico, Mỹ. Ảnh nhỏ: Edgar Perez hay còn gọi là Canis.
Ngày thứ chín
Ngay trước giờ ăn trưa, Alita đã tập hợp được 20 bé trai, tuổi từ 10 đến 15. Lần này 18 trong số 20 trẻ đồng ý với nghề mại dâm nam. Cô nói: “Chúng đồng ý vì sau khi hỏi tôi rằng chúng có được vào Mỹ không và có phải trả tiền không? Lúc nghe tôi trả lời chúng sẽ vào Mỹ mà không phải mất tiền đồng thời từ bây giờ cho đến ngày đi, chúng còn được cung cấp nơi ăn chốn ở”.
Và cũng như với trẻ em gái, khoảng nửa giờ sau khi Alita gọi cho Canis, chiếc xe bus màu vàng lại đến đón 18 bé trai rồi đưa về một căn nhà ở ngoại ô Tijuana. Brick (tên đã thay đổi) một trong những đặc vụ của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cho biết phối hợp với cảnh sát Mexico, họ bám sát chiếc xe chở bọn trẻ để xác định vị trí của chúng còn những đặc vụ khác thiết lập mạng lưới theo dõi những kẻ cầm đầu băng nhóm Chó sói. Brik nói: “Kế hoạch của chúng tôi là ngay sau khi đường dây Chó sói đưa bọn trẻ đặt những bước chân đầu tiên lên đất Mỹ, chúng tôi sẽ bắt. Còn tại Tijuana, bọn cầm đầu cũng sẽ bị bắt”.
Vẫn theo Alita, nếu cô không làm thì cũng sẽ có những kẻ khác làm nhưng điều tệ hại là với những kẻ đó, rất khó để biết được hành tung của chúng. Cô nói: “Trước những tờ giấy tìm người mất tích, tôi tự nhủ sẽ cố hết sức mình để một ngày nào đó, tôi và mọi người sẽ không còn nhìn thấy nó trên đường phố Tijuana”,
Cất vó
21 ngày kể từ khi Alita chiêu dụ đứa trẻ đầu tiên, Lực lượng Biên phòng Mỹ đã bắt gọn nhóm vượt biên gồm 18 trẻ em trai, 27 trẻ em gái và 6 tên Chó sói làm nhiệm vụ dẫn đường, chăn dắt. Bên cạnh đó, còn có 4 lái xe và 8 kẻ áp tải cũng là thành viên Chó sói, chịu trách nhiệm đưa bọn trẻ về điểm tập kết tại một khu vực hẻo lánh ở ngoại ô thành phố Tucson, bang California. Cùng lúc tại Tijuana, cảnh sát Mexico cũng tóm cổ Canis cùng 27 đồng phạm, trong đó có cả Alita. Theo Alita, trước khi bị giải đi, cảnh sát Mexico còng tay rồi trùm lên đầu Alita cùng các thành viên Chó sói những cái túi bằng vải đen để cô không bị nghi ngờ rồi khi vào trại giam, cô và 3 thành viên nữ Chó sói bị tách riêng ra từng buồng. Alita nói: “Tối hôm đó, tôi về một nơi gọi là nhà an toàn nhưng cuộc sống của tôi đã thay đổi. Tôi sẽ có một cái tên mới, một lý lịch mới và giấy tờ mới. Tôi cũng không còn xuất hiện ở Tijuana nữa mà có thể chuyển sang một điểm nóng khác. Tại đó, tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu, vẫn với công việc của một đặc vụ…”.
Vẫn theo Alita, hơn 7 tháng qua cuộc sống của cô gói gọn trong bốn chữ “cảnh giác tối đa”. Cô nói: “Chỉ cần một sơ hở nhỏ, tôi sẽ vĩnh viễn biến mất trên cõi đời này. Thân xác tôi sẽ bị vùi trong sa mạc hoang vu, không dấu chân người lui tới. Tôi phải đóng vai kẻ dụ dỗ trẻ em nhưng trong thâm tâm, tôi biết rằng cái ác mà tôi thể hiện bên ngoài chính là cái sẽ giúp cho các em không rơi vào thảm kịch…”.
Với 45 trẻ bị bắt trên đất Mỹ, chúng được bố trí ở một khu vực riêng thay vì phải tập trung trong trại tạm cư chờ ngày trục xuất. Tại đó, cộng với những chứng cứ do Alita thu lập, lời khai của chúng sẽ là bằng chứng buộc tội băng nhóm Chó sói trước tòa. Theo Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, tất cả những trẻ này ngoài việc được nuôi dưỡng tử tế, chúng còn được đào tạo các kỹ năng tối thiều nhằm chống lại những cám dỗ của bọn buôn người trong tương lai. Sau đó, chúng sẽ được trả về nơi chúng đã ra đi. Jacqueline, giám đốc nhà nuôi dưỡng trẻ vượt biên hành nghề mại dâm cho biết bà hy vọng với những gì đã trải qua, bọn trẻ sẽ có kinh nghiệm đối phó với các băng nhóm. Bà nói: “Chí ít là chúng cũng biết từ chối những lời đường mật nhưng tôi không chắc sẽ có bao nhiêu trẻ quay lại Tijuana vì nhiều đứa vẫn mong được sống ở Mỹ…”.
Chiều muộn, tại nơi tạm trú là một căn nhà hai tầng có khu vườn nhỏ, 45 trẻ em trai lẫn gái xếp hàng xuống nhà ăn. Sau đó chúng được xem phim, nội dung nói về thảm cảnh của những nạn nhân bị bọn buôn người dụ dỗ sang Mỹ. Gabriela, 12 tuổi, ra đi từ Honduras nói: “Cháu muốn về nhà. Cháu sẽ tìm một việc gì đó để làm và sẽ không bao giờ đi nữa”. Trong lúc Fanta, 15 tuổi, đến từ Venezuela lưỡng lự: “Cháu có người dì ở San Diego. Dì cháu hứa sẽ bảo bọc nếu cháu đến được. Cháu không biết mình sẽ ở lại hay tiếp tục tìm đường vào Mỹ…”.