Người mắc bệnh thận, tăng huyết áp cần ăn giảm muối hơn người bình thường, vì vậy, nếu ăn quá nhiều dưa muối có nghĩa cơ thể nạp đã một lượng lớn natri, làm tăng nguy cơ bệnh huyết áp, thận. Đặc biệt, bệnh nhân đã bị suy thận khả năng đào thải natri kém, nên ăn dưa muối làm ứ đọng muối trong cơ thể, có thể gây phù, tăng huyết áp.
Phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều dưa hành, dưa cải muối. Khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ bầu trở nên nhạy cảm, nhất là khi nghén, ăn dưa chua có thể làm kích thích, tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn. Đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ, bạn cần phải ăn nhạt để tránh phù, nhiễm độc thai nghén.
Bên cạnh đó, đặc trưng của dưa hành, dưa cải muối chính là vị chua hăng của hành. Vì vậy, nếu sử dụng quá nhiều có thể sẽ gây hôi miệng và khiến cơ thể có mùi, nguyên nhân do các chất gây mùi trong hành sẽ hấp thu vào trong cơ thể và bài tiết qua tuyến mồ hôi.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo không nên ăn quá nhiều dưa hành muối, dưa có mùi lạ hoặc nổi vàng. Không nên ăn các loại dưa muối xổi (vừa muối xong đã ăn), chỉ nên ăn sau khi muối khoảng 2-3 ngày. Bản chất của dưa hành muối rất mặn, vì vậy trước khi ăn nên rửa qua với nước đun sôi để nguội và vắt bớt nước để giảm bớt lượng axit, muối trong dưa. Ngoài ra, người dân nên ăn số lượng ít cho mỗi lần, không nên ăn liên tục và kéo dài.
Bên cạnh đó, mọi người nên ăn dưa tự muối hơn là mua ngoài hàng. Tự muối dưa giúp bạn điều chỉnh được lượng muối thêm vào và đảm bảo được thực phẩm sạch, không chất phụ gia, không chất bảo quản, dụng cụ muối sạch. Lưu ý dưa muối ăn thừa không cho lại vào lọ vì dễ làm hỏng dưa có sẵn trong đó; dùng muỗng, đũa sạch để gắp dưa; đậy kín lọ và nên bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Tham khảo thêm thông tin bài viết: Dưa chua - nét dân dã của ẩm thực Việt hóa ra lại nhiều giá trị tới vậy.