Ông Trần Văn Ten - chồng bà Út đã tử vong sau vụ cháy. Theo bà Út, khi xảy ra vụ cháy, mọi người tìm được ông Ten trong tình trạng bỏng nặng, ngất xỉu tại khu vực cầu thang xuống lầu do bị ngạt khói. Ngay sau đó, gia đình đã đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng đến ngày 27/7 thì ông Ten không qua khỏi.
Vụ cháy xảy ra khiến căn nhà và 16 phòng trọ của gia đình bà Út bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng được.
Hóa chất thoát ra sau vụ cháy nhiều vật dụng bị ăn mòn, tất cả tài sản, trang thiết bị trong nhà bị cháy, biến dạng.
Khung cảnh hoang tàn, đổ nát sau vụ cháy.
Theo báo cáo từ cơ quan chức năng huyện Bình Chánh, trước khi xảy ra vụ cháy , ngày 17/5, Công an huyện Bình Chánh đã tiến hành kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với chi nhánh công ty An Minh Thức. Cơ quan chức năng ghi nhận công ty này đang cải tạo mặt bằng nâng nền chống ngập, dự kiến đến khoảng tháng 8/2022 sẽ đưa vào hoạt động kho chứa hàng hóa.
Công an huyện Bình Chánh đã đề nghị doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC (tiến hành thẩm duyệt, lắp đặt hệ thống PCCC&CNCH, nghiệm thu về PCCC do công trình chuyển đổi công năng từ xưởng cơ khí sang kho hàng hóa) trước khi đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, đến khoảng giữa tháng 6/2022, công ty An Minh Thức đã chuyển hàng hóa (gồm vôi sống, bột đá, bột Clo, chất diệt cá tạp…) và các vật dụng khác vào để trong kho nhưng chưa tổ chức thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định và không thông báo đến chính quyền địa phương quản lý.
Vừa qua, Sở Công Thương TPHCM đã có văn bản gửi UBND huyện Bình Chánh về việc triển khai một số nội dung liên quan đến vụ cháy kho hóa chất tại chi nhánh Công ty Cổ phần An Minh Thức (ấp 7, xã Lê Minh Xuân).
Theo Sở Công Thương TPHCM, vụ cháy đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe và sinh hoạt của người dân xung quanh.
Sở Công Thương TPHCM đề nghị UBND huyện Bình Chánh rà soát, thống kê và cập nhật lại đầy đủ thông tin các cơ sở hoạt động hóa chất thuộc địa bàn quản lý. Cần lưu ý tập trung rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất có tồn chứa, san chiết hóa chất nguy hiểm hiện đang hoạt động xen cài trong khu dân cư và gửi về Sở Công Thương theo dõi, tổng hợp.
Bên cạnh đó, địa phương cần thực hiện ngay công tác rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn hóa chất của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất nguy hiểm thuộc địa bàn quản lý và xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất có tồn trữ, sang chiết hóa chất nguy hiểm trong khu dân cư theo quy định; chủ động và sớm lập phương án di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm có kho chứa hoạt động xen cài trong khu dân cư.