Âm vang truyện 'Lục Vân Tiên' trong ca dao Nam Bộ

17/04/2023, 14:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sử dụng điển cố là một thủ pháp quan trọng trong sáng tác văn học trung đại.

Liều mình thác xuống suối vàng gặp nhau

Nếu như Nguyệt Nga là biểu tượng cho lòng thủy chung thì cha con Võ Thể Loan lại là biểu tượng cho sự phản trắc, bội bạc:

Chẳng thà em chịu đói, chịu rách học theo cách bà Mạnh, bà Khương

Chớ không như Võ hậu đời Đường

Làm cho bại hoại cang thường nhơ danh

Chẳng thà nghèo khó ở túp lều tranh

Chớ không đành bội nghĩa như cha con Võ công tham tài

Đặc biệt trong truyện Lục Vân Tiên có chi tiết cha con Bùi Kiệm ép duyên Nguyệt Nga, là chi tiết được người bình dân Nam Bộ chú ý:

- Má hồng mình cũng như ta

Đêm nằm thơ thẩn vào ra một mình

Em thương hay không tự ý của mình

Không phải anh như Bùi Kiệm ép duyên tình Nguyệt Nga

- Kiến bất thủ như tầm thiên lí

Thương không thương tự ý của mình

Đừng như Bùi Kiệm ép tình Nguyệt Nga.

Vậy nên Bùi Kiệm và Vân Tiên đã trở thành cặp hình ảnh đối lặp. Nếu Vân Tiên đại diện cho tất cả những phẩm cách của đấng nam nhi trung nghĩa vẹn toàn thì Bùi Kiệm lại là biểu tượng của kẻ thất phu, phản trắc, dâm ô:

Anh đi Lục tỉnh giáp vòng

Đến đây trời khiến đem lòng thương em

- Gá duyên thì phải lựa, phải xem

Coi thử đó là thằng Bùi Kiệm, hay anh Vân Tiên, em mới trao lời.

Như vậy, trong tâm thức dân gian, Lục Vân Tiên chính là hình mẫu, là mơ ước của những người con gái mong muốn có được tấm chồng xứng đáng như Vân Tiên.

Trong những bài ca dao có kết cấu đối – đáp, sự hiểu biết về truyện Lục Vân Tiên cũng là đề tài để đôi lứa thách đố:

Nào ai bị rớt xuống sông?

Nào ai thất lạc vườn hồng năm canh?

Nào ai phá ngục khai thành?

Nào ai bị trói năm canh bão bùng?

Nào ai giữ trọn hiếu trung?

Trai nam nhi đáp được gái nữ hồng kết duyên.

- Vân Tiên bị rớt dưới sông

Nguyệt Nga thất lạc vườn hồng năm canh

Hớn Minh phá ngục khai thành

Tiểu đồng bị trói năm canh bão bùng

Tử Trực giữ trọn hiếu trung

Trai nam nhi đây đối được gái nữ hồngtính s ao?

- Đời có sinh có tử

Có người dữ người hiền

Đố anh trong truyện Vân Tiên

Có ai thọ bịnh theo tiên chầu trời?

Ai bị một gậy bỏ đời?

Ai mà thổ huyết chết nơi gia đàng?

Ai mà vừa tới lâm san

Bị cọp ăn thịt chẳng oan ức gì?

Ai mà ăn ở bất nghì

Giữa đường bị cá nuốt đi?

Ai mà hùng hổ một khi

Kéo quân chật đất, ngựa phi dậy trời

Xưng tài giỏi nhất trần đời

Bị Tiên một nhát đứt lìa đầu đi?

Anh mà phân rõ thị phi

Em đây thí phát vô chùa đi tu

- Một năm có Đông, có Xuân, có Hạ, có Thu

Em lắng tai nghe anh đáp, nhưng đừng có đi tu, anh phiền

Lục bà thọ bịnh theo tiên

Phong Lai gãy cổ vì Tiên đánh đầu

Võ công là kẻ cơ cầu

Bị chàng Tử Trực nói câu động lòng

Hổ thân, thổ huyết mạng vong

Mẹ con họ Võ ăn ở hai lòng

Bị cọp ăn thịt chẳng oan uổng gì

Trịnh Hâm là đứa vô nghì

Xuống sông xuồng lật, cá thì nuốt ngay

Còn tướng Cốt Đột thày lay

Bị Tiên rượt chém chết ngay chiến trường

Anh đà phân giải tỏ tường

Em có đi tu, cho anh theo làm sãi đặng ăn chay trường với em

Cùng với sự xuất hiện của truyện Lục Vân Tiên, nói thơ Vân Tiên phổ biến tại miền Nam, trong đó có Bến Tre từ cuối thế kỷ XIX. Qua việc phân tích ảnh hưởng của Lục Vân Tiên đối với ca dao Nam Bộ, người viết nhận thấy: Việc xuất hiện điển cố trong văn học dân gian Nam Bộ là hệ quả của những loại hình sinh hoạt văn hóa xuất hiện phổ biến trong đời sống tinh thần của người Nam Bộ thời bấy giờ là: Nói thơ Vân Tiên. Loại hình diễn xướng này là minh chứng sống động cho giá trị, tầm vóc văn hóa mà Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế. Những lời thơ của ông đi vào lòng dân bằng lối biểu đạt hết sức mộc mạc, tự nhiên. Ca dao Nam Bộ cũng đã nhắc đến hình thức diễn xướng độc đáo này:

Vân Tiền, Vân Tiễn, Vân Tiên

Ai cho đồng tiền tôi kể Vân Tiên

Bên cạnh đó chúng ta còn dễ dàng nhận thấy một điều: Việc vận dụng điển cố trong ca dao Nam Bộ luôn gắn với nhu cầu bày tỏ quan điểm khen – chê, đồng tình – phản đối của người bình dân Nam Bộ đối với các nhân vật văn học (đây có thể xem là một hình thức tiếp nhận văn học?). Thế nên kết cấu phổ biến trong những bài ca dao có vận dụng điển cố thường có hình thức so sánh:

- Không phải anh như Bùi Kiệm ép duyên tình Nguyệt Nga

- Em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga

Ca dao là tiếng nói tâm tình của người bình dân. Tuy nhiên, qua những điều đã trình bày chúng ta nhận thấy ẩn tàng đằng sau những câu ca dao của vùng đất mới là vai trò của người trí thức bình dân xưa trong sáng tác ca dao (Cụ thể ở đây là sáng tác của cụ Đồ Chiểu). Họ là “nguồn” cung cấp những thi liệu văn liệu của văn chương bác học phổ biến trong sáng tác dân gian. Dần dà chúng đã trở nên quen thuộc và được sử dụng phổ biến rộng khắp trong quần chúng nhân dân lao động.

Đồng thời trên nền tảng sự giao thoa của nhiều loại hình nghệ thuật trong quá trình tiếp nhận, người bình dân ở Nam Bộ lại có những cách vận dụng, cải biến thú vị để qua đó tạo nên những bài ca dao đặc sắc mang dấu ấn đời sống tâm hồn tình cảm của những con người đã khai phá vùng đất mới Nam Bộ. Cũng từ đó, hậu thế có thể cảm nhận được “âm vang mạnh mẽ của truyện Lục Vân Tiên trong ca dao Nam Bộ”. Đây chính là tình cảm yêu mến mà người bình dân dành cho sáng tác nổi tiếng của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/am-vang-truyen-luc-van-tien-trong-ca-dao-nam-bo-post634799.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/am-vang-truyen-luc-van-tien-trong-ca-dao-nam-bo-post634799.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Âm vang truyện 'Lục Vân Tiên' trong ca dao Nam Bộ