Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo: Doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam có bị ảnh hưởng?

01/08/2023, 10:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nguồn thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp.

Trả lời VTC News về tác động của lệnh cấm xuất khẩu cám gạo của Ấn Độ, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn cám gạo từ Ấn Độ để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Con số này không quá lớn nhưng vẫn có thể khiến nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi Việt Nam bị ảnh hưởng.

Trước tình hình này, doanh nghiệp Việt Nam phải linh hoạt ứng phó”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành thông báo về việc cấm xuất khẩu cám gạo trích ly, chỉ sau hơn 1 tuần thông báo cấm xuất khẩu gạo tẻ trắng. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành thông báo về việc cấm xuất khẩu cám gạo trích ly, chỉ sau hơn 1 tuần thông báo cấm xuất khẩu gạo tẻ trắng. (Ảnh minh họa)

Quyết định mới của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh giá sữa và các sản phẩm sữa trong nước tăng đáng kể do giá thức ăn gia súc tăng vọt. Đối với thức ăn gia súc, thành phần chính là cám gạo trích ly (DORB - mặt hàng vừa bị Ấn Độ cấm xuất khẩu). Đây cũng là thành phần chính trong thức ăn gia cầm và cá. 

Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hàng ngàn tấn cám gạo để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy cám gạo không phải là mặt hàng chính trong cơ cấu nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi truyền thống của Việt Nam nhưng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng đột biến trong những năm qua.

Theo các nhà nhập khẩu, giá cám nhập khá rẻ so với cám trong nước. Chính vì vậy, thị trường cám gạo nhập khẩu trong nước trở nên sôi động với hàng chục nhà nhập khẩu lớn và hàng trăm nhà buôn nhỏ trên khắp cả nước. Theo đánh giá, cám gạo nhập khẩu vừa rẻ vừa có chất lượng tốt hơn hàng trong nước. Bởi vì cám trong nước là cám y (cám nguyên, chưa trích ly lấy chất béo) nên không để được lâu, chỉ 1-2 tuần là hỏng. Trong khi cám nước ngoài đã được lấy dầu nên thời gian bảo quản lâu hơn và độ đạm cũng cao hơn. So với cám trong nước, cám nhập có độ ẩm thấp hơn (9% so với 14%) và độ đạm cao hơn (16% so với 12%).

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành thông báo về việc cấm xuất khẩu cám gạo trích ly (Deoiled Rice Bran Extraction- DORB), chỉ sau hơn 1 tuần thông báo cấm xuất khẩu gạo tẻ trắng được phát đi.

Lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 30/11/2023. 

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong 5 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ xuất khẩu 288 nghìn tấn cám gạo trích ly (mã HS 23069090), giảm 21,54% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng cám xuất khẩu sang Việt Nam đạt 155,9 nghìn tấn, chiếm 54,13% tổng lượng xuất khẩu của Ấn Độ.

Thương Vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo có hiệu lực ngay lập tức sẽ tác động tới các hợp đồng xuất khẩu cám gạo nhưng chưa tiến hành giao hàng.

Hơn nữa, Việt Nam là nước nhập khẩu lượng cám gạo lớn từ Ấn Độ nên sẽ rủi ro cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam. Chính vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cần nhanh chóng làm việc với đối tác xuất khẩu tại Ấn Độ để xem tình trạng hàng và giải quyết vấn đề trên cơ sở hợp đồng.

Đào Bích

Bài liên quan
Học phí y khoa tại Ấn Độ tăng gấp đôi trong 10 năm
Ngoài 108 trường y khoa do Chính phủ Ấn Độ quản lý, chi phí giáo dục y tế tại nước này vô cùng đắt đỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo: Doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam có bị ảnh hưởng?