Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội 'vàng' cho doanh nghiệp Việt?

29/07/2023, 12:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo khiến doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để bùng nổ doanh thu, nhưng chuyên gia cảnh báo cần dè chừng nhiều thách thức.

Tuy coi việc Chính phủ Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu là cơ hội lớn với gạo xuất khẩu Việt Nam nhưng ông Đỗ Hà Nam cũng cảnh báo, điều này đã gây xáo trộn. Hiện nay, Việt Nam đang vào mùa thu hoạch hè thu, doanh nghiệp đang có nhiều hợp đồng nên trước thông tin bất ngờ này, doanh nghiệp Việt Nam cần linh hoạt ứng phó.

Cụ thể, ông Nam khuyến cáo, khi giá đã lên thì sẽ xuống nhưng khi xuống thì doanh nghiệp có kịp thời bán ra được với mức giá có lãi hay không? Điều này tiềm ẩn rủi ro.

Khó khăn thứ hai theo ông Nam là vốn. Doanh nghiệp muốn thu gom một nguồn hàng lớn để phục vụ xuất khẩu thì sẽ cần nguồn vốn lớn. Vì thế doanh nghiệp cần ngân hàng hỗ trợ vốn để có thể mua số hàng lớn.

Đặc biệt, chuyên gia khuyến cáo, không thể quên chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như nguồn hàng gối đầu để gia tăng kim ngạch khi được lợi về giá cũng như ổn định đời sống, thu nhập cho người nông dân.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gạo lại bày tỏ lo lắng về nguy cơ đầu vào giá gạo quá cao khiến doanh nghiệp không thể thu mua với số lượng lớn.

Đại diện Công ty TNHH Đầu tư & Lương thực Nguyễn Phương Thảo cho biết, giá gạo liên tục tăng trong mấy hôm nay khiến doanh nghiệp gạo lo ngại khó thu mua và nếu có mua cũng không thể mua với số lượng lớn được. "Việc ôm hàng số lượng lớn, giá cao sẽ tiềm ẩn rủi ro nếu không kịp tìm được đầu ra kịp thời. Giá gạo cao cũng khiến các doanh nghiệp khó có lãi trong bài toán kinh doanh mua đi, bán lại", đại diện đơn vị này chia sẻ. 

Ông Trần Mạnh Bảo, doanh nghiệp gạo Thái Bình cũng cho biết thêm: “Các nước trên thế giới đã ồ ạt đến Việt Nam, họ sẵn sàng trả giá nhiều hơn so với thực tế. Tuy nhiên một số doanh nghiệp của Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác từ trước đó thì họ vẫn phải tập trung để trả đủ hợp đồng. Trong tương lại gần chắc chắn giá gạo sẽ lên. Tuy nhiên, hiện nay số lượng gạo từ Việt Nam không nhiều đến mức có thể đáp ứng được mọi yêu cầu".

Theo chuyên gia nông nghiệp Hồ Văn Quảng, thực tế, dù là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu gạo để chế biến thành các sản phẩm từ gạo. Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, các doanh nghiệp lâu nay mua gạo nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ quay ra thu mua gạo trong nước, điều này vô tình sẽ đẩy giá gạo lên cao, đồng thời cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Giá gạo biến động sau sự kiện Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này, doanh nghiệp gạo Việt Nam sẽ có cả cơ hội và thách thức.

Giá gạo biến động sau sự kiện Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này, doanh nghiệp gạo Việt Nam sẽ có cả cơ hội và thách thức.

Mới đây, trước động thái của Ấn Độ, để góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bình ổn giá lúa gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam...tổ chức thu mua và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Đào Bích

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/an-do-cam-xuat-khau-gao-co-hoi-vang-cho-doanh-nghiep-viet-ar808976.html
Copy Link
https://vtc.vn/an-do-cam-xuat-khau-gao-co-hoi-vang-cho-doanh-nghiep-viet-ar808976.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội 'vàng' cho doanh nghiệp Việt?