Thách thức thứ hai cũng không kém phần quan trọng là nguồn cung vượt nguồn cầu. Đơn cử, kỹ thuật là ngành học phổ biến tại Ấn Độ. Trong năm 2010 - 2011, khoảng 2,4 triệu sinh viên, chiếm 18% tổng số sinh viên đại học, đã theo học ngành kỹ thuật và công nghệ.
Con số này tăng lên 3,67 triệu người trong năm 2020 - 2021. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng ngành kỹ thuật tại Ấn Độ có dấu hiệu giảm do tỷ lệ việc làm thấp và thiếu cơ hội việc làm.
Đến gần đây, tình hình vẫn chưa khả quan hơn. Báo cáo Việc làm quốc gia dành cho kỹ sư năm 2019 cũng lưu ý tỷ lệ kỹ sư Ấn Độ có việc làm thấp là vấn đề dai dẳng, có rất ít hoặc gần như không được cải thiện vĩ mô từ năm 2010.
Từ ví dụ trên, ông Puskhar chỉ ra tình trạng thừa cung ở một số ngành và thiếu cung ở những ngành khác. Do đó, chính phủ cần cung cấp thông tin tin cậy về nhu cầu việc làm và dự kiến trong tương lai của các ngành hoặc lĩnh vực khác nhau.
Các cơ sở giáo dục làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp để học sinh sinh viên lựa chọn nghề nghiệp không chỉ phù hợp với sở thích, năng lực mà còn nâng cao cơ hội có việc làm sau khi ra trường.
Không chỉ cần cải thiện chất lượng của hệ thống giáo dục đại học trong nước, nhiều chuyên gia nhất trí rằng Ấn Độ cần hội nhập quốc tế trong giáo dục. Số lượng sinh viên quốc tế tại Ấn Độ hiện dao động ở mức 48.000 - 50.000 người, tăng khoảng 10.000 người trong 10 năm qua.
Đây sẽ là nguồn tài nguyên dồi dào giúp các trường đại học nâng cao chất lượng giảng dạy và tăng khả năng tài chính. Ấn Độ có thể trở thành “điểm nóng” giáo dục quốc tế cho đến những năm 2050.
Theo THE, Pie