Hai bệnh nhân (38 tuổi và 39 tuổi) chuyển đến Trung tâm Chống độc được xác định ngộ độc do ăn bọ xít và có biểu hiện liệt cơ hô hấp, tiêu cơ vân, tổn thương cơ nặng. Trong đó một trường hợp suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã được xuất viện.
"Qua xác định ban đầu, bọ xít khiến các bệnh nhân ngộ độc là bọ xít vải, có tên khoa học là Agonoscelis nubilis. Tuy nhiên, thông tin độc tố tự nhiên của loại bọ xít này còn rất "nghèo nàn". Để nhận dạng và xác định đầy đủ các chất gây độc trong bọ xít này, chúng tôi đã gửi mẫu bọ xít mà bệnh nhân cung cấp tới Viện sinh thái (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam)" - bác sĩ Nguyên nói.
Ông cũng cho biết các ca bệnh được cấp cứu do ăn loại bọ xít này không phải gặp lần đầu. Năm 2021, Trung tâm cũng đã tiếp nhận 6 người trong gia đình (ở Hòa Bình) bị ngộ độc sau khi cùng ăn khoảng 0,5 kg bọ xít rang. Sau ăn, cả gia đình nhập viện do xuất hiện đau bụng, buồn nôn, đau mỏi người. Trong số này có một bệnh nhân bị hôn mê, kích thích, toan chuyển hóa, suy đa tạng... do ngộ độc bọ xít.
Bọ xít được người dân bắt để chế biến món ăn
Theo bác sĩ Nguyên, bọ xít có nhiều loài, trong đó nhiều loài có chất độc. Bên cạnh đó, ngay cả khi loại côn trùng này không có độc nhưng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người (như các ký sinh trùng, vi khuẩn, virus).
Thực tế, các loại côn trùng rất nhầm lẫn với nhau, nên khi bệnh nhân ngộ độc, bác sĩ cũng gặp khó khăn trong chẩn đoán và cứu chữa. Để phòng tránh ngộ độc, người dân không nên sử dụng các sinh vật lạ hoặc không chắc chắn làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.