Ân Sư Từ, nơi tri ân thầy cô giáo

Phước Giang | 19/11/2022, 18:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ân Sư Từ là nơi ghi nhớ công ơn của 20 nhà giáo đã vượt qua bom đạn đến dạy chữ cho người dân nơi đây.

Hơn chục năm qua, hễ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam là người dân xã Đồng Phú, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) lại tụ họp về Ân Sư Từ để nhang khói ghi nhớ công ơn 20 nhà giáo đã vượt qua bao mưa bom bão đạn đến dạy chữ cho người dân vùng đất này.

Tưởng nhớ những ân sư

Miếu Ân Sư Từ nằm nép mình bên bờ sông Tiền, phía thượng nguồn vàm Bà Cò, thuộc ấp Phú Thuận 1. Ân Sư Từ có kiến trúc đặc biệt. Nóc miếu có đúc biểu tượng quyển sách và cây bút. Phía trước ngôi miếu là hai câu đối do nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường (quê Tiền Giang) thủ bút: “Thầy cô cũ qua rồi, lời dặn dò vẫn còn văng vẳng/ Nền trường xưa còn đó, tuổi ngây thơ sống dậy ngậm ngùi”.

Bước vào bên trong, phía chánh điện, có treo một bức phong thờ màu đỏ với hàng chữ “Tôn sư trọng đạo”. Hai bên là câu đối “Đức hạnh sáng soi đèn bắc đẩu/ Hiền tài nối tiếp nước Tiền Giang”. Phần chính giữa là dòng chữ “Cung thỉnh chư vị ân sư” với tên tuổi của 20 thầy cô giáo đã có công mang chữ đến đất này.

Đặc biệt, bên dưới phong thờ đặt hàng chục bức tượng gốm đỏ tạc những thầy cô do họa sĩ nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long - Bửu Lộc thực hiện.

Theo nhiều tài liệu ghi lại, năm 1919, Trường Elementaire Ecole Ninh Thuận được thành lập, dân gian thường gọi là Trường Bà Cò, vì nằm ngay vàm sông Bà Cò. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Pháp kiệt quệ nên đã sáp nhập nhiều làng lại với nhau để giảm bộ máy hành chính.

Ân Sư Từ, nơi tri ân thầy cô giáo ảnh 1

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh (ngoài cùng), Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ thắp hương, tưởng nhớ công ơn nhà giáo.

Vì thế, hai làng Phú Thuận và Hoà Ninh nhập lại thành làng Ninh Thuận. Trường Elementaire Ecole Ninh Thuận được đặt tại làng bởi nơi đây là quê của ông huyện Mạc Thanh Sơn và cai tổng Mạc Thiện Nguyện. Đây cũng là ngôi trường được xây dựng sớm nhất khu vực cù lao Minh, gồm 3 lớp đồng ấu, dự bị và cơ bản (tương đương lớp 1, 2, 3 hiện nay).

Những thầy giáo đầu tiên được đào tạo chính quy ở Sài Gòn đến dạy tại trường là ông Giáo Chánh (có người bảo là Hồ Biểu Chánh) ở Tân An, ông giáo Khảm ở Giồng Ké (Vũng Liêm, Vĩnh Long). Các thầy Phan Văn Cam (về trường năm 1926), rồi đến thầy Lê Văn Tình, Trần Văn Có, Vương Kim Liêng, Trần Gi Minh (từ năm 1943 đến 1944) đều là những nhà giáo yêu nước tham gia kháng chiến. Thầy Phan Văn Nhạc đến dạy ở trường lúc Cách mạng tháng Tám diễn ra, thầy Trương Ngọc Hữu là thủ lĩnh tổ chức Thanh niên Tiền Phong…

Giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay

Người có công tìm hiểu lịch sử ngôi trường hơn 100 năm tuổi này và xây dựng nên Ân Sư Từ là ông Nguyễn Hồng Tâm.

Ông Tâm từng học ở Trường Elementaire Ecole Ninh Thuận rồi đi bộ đội vào năm 1966. Ông muốn ghi lại công trạng người thầy bằng một miếu thờ cạnh bờ sông “để dân xứ này thế hệ trước sau, người già, kẻ bé luôn hiểu công khai sáng lớn như thế nào”.

Ân Sư Từ, nơi tri ân thầy cô giáo ảnh 2

Ông Nguyễn Hồng Tâm, người có công tìm hiểu lịch sử ngôi trường hơn 100 năm tuổi và xây dựng nên Ân Sư Từ.

Ông Tâm đã đi vận động từng người, từng nhà góp công, của, còn ông chịu trách nhiệm hoàn thành miếu thờ. Để xây được ngôi miếu nhỏ vào năm 2001, ông Tâm đã phải chắt bóp từ số tiền lương ít ỏi của mình trong một thời gian dài.

Khi biết được tâm huyết của ông, nhiều thế hệ học trò cũ đã vận động thêm gần 30 triệu đồng để xây lên ngôi miếu lớn, khang trang hơn vào năm 2006…

Hàng chục năm qua, ông đã cất công tìm hiểu từ hình ảnh cho đến những câu chuyện cảm động về thầy cô từng dạy ở trường.

Mới đây Huyện đoàn Long Hồ đã vận động được hơn 30 triệu đồng để tu sửa lại miếu, làm đường và lắp đặt đèn năng lượng mặt trời. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Long Hồ cho biết, huyện thường tổ chức cho đoàn viên thanh niên, học sinh đến đây để dọn dẹp vệ sinh khuôn viên, đồng thời tổ chức tuyên truyền để các bạn trẻ hiểu rõ hơn lịch sử về nơi đây.

Tại đây, hình ảnh 20 vị ân sư kèm theo bản tóm tắt quá trình dạy học được đặt trang trọng trong khói nhang thiêng liêng. Hằng năm, cứ đến ngày 20/11, nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan Ân Sư Từ, có cả khách nước ngoài đến đây thắp hương tưởng nhớ.

Chính quyền địa phương đã tổ chức đón tiếp và giới thiệu lịch sử ra đời của Ân Sư Từ như là cách khơi dậy truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo, niềm tự hào của người dân xã Đồng Phú nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ân Sư Từ, nơi tri ân thầy cô giáo