Từ trải nghiệm của mình, Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ: Không phải khởi đầu không tốt sẽ không tốt mãi. Chúng ta rèn luyện sẽ được kết quả cao.
Tại buổi giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ngày 16/4) chia sẻ những trải nghiệm của mình, vị Anh hùng nhắn nhủ: Không phải khởi đầu không tốt sẽ không tốt mãi. Chúng ta chỉ cần rèn luyện sẽ được kết quả cao.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Tuân dẫn chứng, năm 1979, Liên xô sang Việt Nam chọn 4 phi công tốt nhất để chọn 2 phi công bay vào vũ trụ. “Khi đó, ở Việt Nam chọn được 3, thiếu 1. Tôi được ghép vào cho đủ 4 người và mặc định sẽ bị loại. Nhưng suốt nửa tháng, tất cả các bài kiểm tra tôi vượt qua. Bác sĩ kết luận, tôi đứng vị trí số 1, tốt nhất trong nhóm 4 phi công” - Trung tướng Phạm Tuân cho hay.
Từng bị loại phi công nhưng được bay thử MiG-21, rồi bắn hạ được máy bay Mỹ, trở thành Anh hùng và lịch sử chọn bay vũ trụ; từ câu chuyện của mình, Trung tướng Phạm Tuân cho rằng, khi thời cơ đến thì mọi người như nhau nhưng ai có bản lĩnh chiếm được mới quan trọng.
“Làm sao chúng ta rèn luyện bản lĩnh để chớp thời cơ” – Anh hùng Phạm Tuân nhắn nhủ và khuyên giới trẻ hãy chọn nghề phù hợp với mình, mình được làm chủ. Chỉ cần 1% cơ hội sẽ chớp thời cơ, vận may có tâm thế sẽ trở nên thành công.
Anh hùng Phạm Tuân mong muốn các thế hệ trẻ xây dựng cho mình bản lĩnh, đó là ý chí quyết tâm và làm sao để đạt được mục tiêu của mình, trong đó phải biết sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Cũng trong chương trình giao lưu, Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân kể lại những hy sinh, gian khổ trong chiến tranh, sự mưu trí của các phi công Việt Nam khi đối đầu với "pháo đài bay" B-52.
Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của Mỹ với Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày cuối năm 1972, đêm 27/12/1972, Trung tướng Phạm Tuân đã cất cánh từ sân bay Yên Bái trở thành người đầu tiên bắn hạ được máy bay B-52 của Mỹ từ trên không và trở về an toàn.
Năm 1980, Trung tướng Phạm Tuân cùng phi công Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô, trở thành người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay vào vũ trụ.
Gần gũi, thân thiện, Anh hùng Phạm Tuân kể cho sinh viên nghe những ấn tượng khi bay vào vũ trụ, sự xúc động khi nhìn thấy viền trái đất và niềm tự hào, tự tôn dân tộc khi con tàu bay qua Việt Nam. Ý nghĩa chính trị và ý nghĩa nghiên cứu khoa học đã được Anh hùng Phạm Tuân hoàn thành xuất sắc trong nhiệm vụ này, ghi dấu mốc lịch sử quan trọng: Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ vũ trụ thế giới.
Nhân dịp này, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được giao lưu với Anh hùng Lao động, đạo diễn cao cấp – nhà văn Minh Chuyên - Cây bút thời hậu chiến. Ông đã dành cả cuộc đời để kể lại những số phận, những bi thương và kỳ tích của chiến tranh. Những thước phim, trang viết của ông là cầu nối quá khứ và hiện tại, làm sáng lên phẩm chất con người Việt Nam.