Dự báo khoảng 13h ngày 21/7, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão trên khu vực Bắc và Giữa Biển Đông sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trên biển, gây mưa lớn cho nhiều khu vực.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 20/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h.
Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần. Khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7. Riêng khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao 2,0-4,0m.
Dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới và bão (trong 24 đến 48 giờ tới)
Thời điểm dự báo | Hướng, tốc độ | Vị trí | Cường độ | Vùng nguy hiểm | Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng) |
13h/21/7 | Tây Bắc, khoảng 15 km/h, có khả năng mạnh lên thành bão | 17,7 N-111,4E; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Nam | Cấp 8, giật cấp 10 | 14,5N-19,5N; 110,0-115,5E | Cấp 3: khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) |
13h/22/7 | Tây Bắc, 10-15 km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới | 20,1N-109,2E; trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ | Cấp 7, giật cấp 9 | Phía Bắc vĩ tuyến 15,5N; 107,5-113,5E | Cấp 3: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) |
Cơ quan khí tượng cũng phát đi cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang và Lâm Đồng. Trong 6 giờ qua (từ 08 giờ ngày 20/07 đến 14 giờ ngày 20/07), khu vực các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang và Lâm Đồng, đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Búng Lao 2 42,6 mm, Ẳng Cang 1 32,8 mm (Điện Biên); Mường Cai 2 37,6 mm (Sơn La); Xuân Lập 48,4 mm, Xuân Lập 47,6 mm (Tuyên Quang); Hòa Nam 145,6 mm, Ninh Gia 54,4 mm (Lâm Đồng),...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 3- 6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-30mm, có nơi trên 60mm... Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Ngày 20/7, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh/TP Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định về việc đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện nay còn 326 tàu/2.181 người (Quảng Bình 06 tàu/27 người; Quảng Trị 48 tàu/339 người; Đà Nẵng 46 tàu/387 người; Quảng Nam 62 tàu/496 người; Quảng Ngãi 138 tàu/815 người; Bình Định 26 tàu/117 người) đang hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực dự kiến bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão).
Để đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rà soát các tàu, thuyền đang trong khu vực nguy hiểm. Bằng mọi biện pháp kiểm đếm, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.