"Nhà trường đã tổ chức các chuyên đề về phòng, chống bạo lực học đường, an toàn giao thông, không share tin xấu độc... và thực hiện có hiệu quả trong thời gian vừa qua...", cô Thùy chia sẻ.
Để phòng chống bạo lực học đường hiệu quả, theo cô Bùi Thị Như Mỹ, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Nguyên Hãn, cần phát huy tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội và các lực lượng trong và ngoài nhà trường.
Qua đó, chủ động tổ chức các buổi tuyên tuyền, tạo sân chơi bổ ích, rèn kỹ năng sống cho học sinh. "Khi phát hiện những mâu thuẫn của các em thì gặp gỡ, tìm hiểu và khuyên răn các em. Khi được thầy cô quan tâm và động viên, các em đã rất hối hận và quyết tâm sửa chữa. Không chỉ dừng lại ở đó, nhà trường vẫn tiếp tục theo dõi động viên để các em vươn lên tiến bộ...", cô Mỹ chia sẻ.
Giáo dục từ gia đình - nhà trường - xã hội
Ông Nguyễn Văn Phái - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang cho rằng, các nhà trường cần chủ động, tiên phong, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng hơn là chống”.
Trong đó, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường, bao gồm cả Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm… trong việc tìm ra các giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống bạo lực học đường.
Ông Phái nhấn mạnh tới sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong phòng chống bạo lực học đường.
“Phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm của không chỉ các bộ ngành, địa phương, các sở, ban, ngành, ban giám hiệu nhà trường… mà là của từng thầy cô giáo, cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường các bên liên quan như phụ huynh cũng cần chung tay thực hiện.
Nếu chúng ta xem nhẹ khâu nào trong ba khâu nhà trường - gia đình - xã hội thì công tác phòng, chống bạo lực học đường sẽ không đạt kết quả...”, ông Phái nói.
Để nâng cao hiệu quả công tác an toàn học trường học, phòng, chống bạo lực học đường trong thời gian sắp tới, ông Đỗ Văn Quý - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang yêu cầu Hiệu trưởng các nhà trường phải thực hiện nghiêm túc, đồng hộ, hiệu quả các giải pháp.
Trong đó, có tính chủ động dự báo, phát hiện sớm nguy cơ bạo lực học đường để can thiệp, giải quyết kịp thời; Đồng thời, phát huy vai trò của "Tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh"; giáo dục kỹ năng sống, ngoại khóa, xử lý các tình huống tronng trường học. Ngoài ra, cần siết chặt kỷ cương, nền nếp, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh...