Chỉ cần có trò, ngày nào cũng là hội
Nếu như Trung Thu được biết đến là xã khó khăn nhất, nhì của huyện vùng cao Tủa Chùa, thì Trung Vàng Khổ là thôn nằm trên “chóp” của cái khó. Điểm trường tiểu học – nơi thầy Thoàn phụ trách năm học này, nằm cách trung tâm xã chừng 12km. Trong đó, 1/3 chặng là đường dân sinh, hẹp và trơn trượt.
Không như đồng bằng, mùa mưa rừng ở đây kéo dài tới tận tháng 10, 11. Cộng thêm việc chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chập chờn nên những ngày này thôn Trung Vàng Khổ gần như biệt lập với bên ngoài. Vì năm học trước, thầy Thoàn phụ trách lớp 1, nên năm nay tiếp tục được giao dạy đuổi lên lớp 2.
“Thôn có gần 150 hộ, 100% là đồng bào Mông. Bà con sống rải rác, nên khoảng cách giữa các nhà khá xa. Một ngày không thể đi hết được. Nhưng một năm vừa rồi đủ để tôi nắm rõ vị trí mỗi nhà, hoàn cảnh từng học sinh”, thầy Thoàn nói.
Mới chỉ vài năm trước, theo thầy Thoàn, nhiệm vụ giáo dục tại đây vô cùng khó khăn. Bên cạnh những “rào cản” về ngôn ngữ, giao thông, điều kiện hạ tầng, vật chất, thì vướng mắc lớn nhất là hạn chế trong nhận thức và sự quan tâm đến công tác giáo dục của phụ huynh.
Đầu mỗi năm học, giáo viên thường phải lên trường từ rất sớm để đến nhà từng em. Không chỉ một, mà phải đi lại nhiều lần vì bà con bận đi nương, rồi viện đủ lý do, thậm chí cố tình tránh mặt. “Ngày ấy, sĩ số hiếm khi đủ, nên chỉ cần có thêm một em đến lớp là mừng lắm rồi”, thầy Thoàn nói.
Tổ chức được một lễ khai giảng trọn vẹn luôn là mong mỏi của người thầy, song điều thiết thực hơn theo thầy Thoàn đó là lớp học đủ trò. Bởi vậy, thay vì dựng lên một buổi lễ hoành tráng, đầy đủ nghi lễ, thầy lại nỗ lực “hiện thực hóa” giấc mơ đến trường cho các em.
Do đó, thầy cố gắng làm sao để học sinh thấy được ngày tựu trường là ngày có sách mới, đồ dùng, quần áo mới. Là khởi đầu của những bữa cơm ngon hơn, có đầy đủ thịt, cá, rau xanh; biết thêm nhiều điều hay, thú vị và được vui chơi bổ ích… “Muốn vậy thì không phải chờ đến khai giảng, mà chỉ cần có học sinh, ngày nào cũng là ngày hội đến trường”, thầy Thoàn chia sẻ.
“Mưa dầm thấm lâu”, bà con trong thôn giờ ai cũng hiểu nên chủ động tạo điều kiện cho con tới lớp. Minh chứng cho điều này, Trưởng bản Sùng A Sang kể, dịp hè vừa qua có đoàn từ thiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng điểm trường mới. Bà con phấn khởi, hồ hởi tham gia khi được đề nghị.
“Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, chúng tôi không thể tổ chức lễ khai giảng với đầy đủ nghi thức. Song từ những chia sẻ giữa thầy trò, các em đã có được những trải nghiệm chân thực để hiểu về ý nghĩa của ngày khai trường. Đây cũng là phương pháp ít tốn kém nhất, mang lại hiệu quả cho bài học đầu tiên mà tôi muốn truyền tải đến các em”, thầy Thoàn bộc bạch.