Giáo dục

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

07/05/2024 13:53

Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện nay.

Thiên sử vàng son

Trường Đại học Sư phạm TPHCM phối hợp với Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) với chủ đề “70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và bài học cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh hiện nay”.

Hội thảo nhằm khẳng định và làm sáng tỏ hơn nữa tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến dịch lịch sử; sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Ôn lại lịch sử, TS Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM nêu, cách đây 70 năm, thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là một mốc son, bước ngoặt của lịch sử dân tộc Việt Nam trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, vì độc lập tự do trong thế kỷ XX.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do; vì “bình đẳng, bác ái”, là sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại.

Trải qua 56 ngày đêm đầy anh dũng và bất khuất, quân và dân ta chiến đấu với ý chí kiên cường trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, kết quả là chiến dịch đã giành thắng lợi vang dội.

Chiến thắng đó không chỉ mang những giá trị và ý nghĩa thời đại, mà còn là những minh chứng hùng hồn cho sức mạnh, nội lực của toàn dân và sự độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng suốt của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp là Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, mà còn thể hiện tinh thần chiến đấu đầy anh dũng, mưu trí, bất khuất, ngoan cường của quân và dân ta.

Theo TS Cao Anh Tuấn, tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến dịch là nguồn cổ vũ lớn lao và bài học kinh nghiệm quý báu cho nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, sức mạnh chính trị, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân ta đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.

Đại biểu xem triển lãm ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ bên lề hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng
Đại biểu xem triển lãm ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ bên lề hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Giáo dục phẩm chất yêu nước

Tại hội thảo, ThS Nguyễn Linh Phong (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) đặt vấn đề giáo dục phẩm chất yêu nước cho sinh viên qua Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Chương trình giáo dục phổ thông mới định hướng phát triển 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi đang được các nhà trường hưởng ứng, thực hiện chủ động và sáng tạo qua các môn học, các hoạt động đạo đức, lối sống, thể chất, nghệ thuật và văn hóa. Một trong các phẩm chất cơ bản cần được hình thành và bồi dưỡng là yêu nước. Đây là cơ sở cho các trường đẩy mạnh các hoạt động giáo dục phẩm chất yêu nước cho sinh viên.

Theo ThS Nguyễn Linh Phong, nhìn từ yêu cầu của bài học, giáo dục phẩm chất yêu nước cho sinh viên thông qua Chiến thắng Điện Biên Phủ là giảng viên trong hoạt động dạy học của mình đã sử dụng các giá trị, tư liệu của chiến thắng này để minh họa, dẫn chứng, hình thành cho sinh viên thế giới quan, suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm cũng như các hành động tích cực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giảng viên lấy Chiến thắng Điện Biên Phủ làm niềm cảm hứng để vun đắp cảm xúc cho sinh viên và hướng dẫn các em tới những hành động tích cực, có ích cho đất nước.

“Nhóm nghiên cứu tin rằng, sử dụng Chiến thắng Điện Biên Phủ để giáo dục phẩm chất yêu nước cho sinh viên là hoàn toàn hợp lý. Những ấn tượng sâu sắc về Điện Biên Phủ không chỉ giúp các em có thêm tình yêu đất nước mà còn định hướng cho các em có những hành động thiết thực nhất để thể hiện tình yêu đó, làm cho đất nước ngày càng tươi đẹp”, ThS Phong cho biết.

ThS Bùi Thị Thoa (Trường Đại học Sài Gòn) lại nêu khía cạnh vận dụng đường lối toàn dân kháng chiến trong dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh ở Trường Đại học Sài Gòn. Theo ThS Thoa, Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng đỉnh cao về chủ trương, đường lối của Đảng khi huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Ý thức được điều này, Trường Đại học Sài Gòn đã thực hiện nhiều biện pháp để truyền tải được nhiều nhất những giá trị của đường lối toàn dân kháng chiến trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thông qua hoạt động dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh tại nhà trường. Thông qua hoạt động giảng dạy, đường lối toàn dân kháng chiến của Đảng được phổ biến ngày càng rộng khắp và giúp thế hệ trẻ thấm nhuần triết lý sâu sắc này.

Thiếu tướng, TS Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Bộ GD&ĐT) tham luận hội thảo với chủ đề “Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng cho sinh viên thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

TS Trần Ngọc Thanh đã phân tích, làm rõ ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ và giá trị của chiến thắng này với công tác giáo dục sinh viên trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, ông đề xuất một số biện pháp phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm lan tỏa mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, tạo động lực cho sinh viên mạnh dạn dấn thân, tự tin khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Đó là, chú trọng giáo dục, lan tỏa lòng yêu nước cho sinh viên; nêu cao tinh thần đoàn kết của chiến sĩ Điện Biên cho sinh viên. Ngoài ra, cần xây dựng ý chí quyết tâm trong học tập, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lan tỏa tinh thần học tập sáng tạo, dấn thân, gương mẫu, tiên phong cho sinh viên.

ThS Nguyễn Linh Phong (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) dẫn lời Van de Vondel từng khẳng định: “Tình yêu Tổ quốc là bản tính của mỗi con người”. Câu nói trên đã chỉ ra rằng, yêu nước là một trong những tình cảm quan trọng nhất của con người. Yêu nước là tình cảm và là tư tưởng thường gặp, vốn có của con người. Đó là sự gắn bó, yêu quý đối với quê hương, đất nước mình.

Đảng ta rất quan tâm đến việc phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cũng như sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Trong mỗi kỳ đại hội, Đảng ta đều có những quan điểm nhằm giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các cụm từ “tinh thần yêu nước”, “ý chí tự cường”, “đại đoàn kết dân tộc” được nhắc đến hơn 80 lần trong toàn bộ văn kiện đại hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài học giá trị cho thế hệ trẻ