Giáo dục

Bài thơ 2 lần được đưa vào sách giáo khoa được đăng tải trên Tạp chí thơ Châu Á

Bảo Châm 02/04/2024 07:08

(GDTĐ) - Bài thơ “Đồng hồ báo thức” của nhà thơ Hoài Khánh gắn liền với nhiều thế hệ học sinh sau hai lần đổi mới chương trình giáo dục, mới đây được đăng tải trên Tạp chí thơ Châu Á.

Nhà thơ Hoài Khánh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện ở thành phố Hải Phòng, được biết đến là “nhà thơ của thiếu nhi” khi ông đã dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp hơn 40 năm sáng tác của mình để cho ra đời khoảng gần 200 bài thơ dành cho thiếu nhi.

Trong số đó, “Đồng hồ báo thức” được xem là một trong những sáng tác gắn liền với tên tuổi của nhà thơ khi được đưa vào sách giáo khoa sau 2 lần liên tiếp đổi mới chương trình giáo dục, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh.

hoai-khanh-1.png
Bài thơ “Đồng hồ báo thức” của nhà thơ Hoài Khánh in trong sách tiếng Việt lớp 2, tập 1, sách “Cánh diều” (Ảnh: Chụp màn hình).

Cụ thể, bài thơ lần đầu được đưa vào sách tiếng Việt lớp 3, tập 2 vào năm 2004, 16 năm sau kể từ khi được sáng tác vào năm 1988. Đến năm 2022, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức triển khai chương trình giáo dục 2018, bài thơ tiếp tục được đưa vào sách tiếng Việt lớp 2, tập 1 của bộ sách “Cánh diều”.

“Một tác giả luôn muốn tác phẩm của mình được sống mãi với thời gian. Việc tác phẩm của tôi được đưa vào trong sách là một điều đáng mừng vì nó khiến tác phẩm của mình được sống lâu hơn”, nhà thơ Hoài Khánh chia sẻ.

Mới đây, bài thơ cũng được đăng tải trên Tạp chí thơ Châu Á vào số 55, phát hành tại Hàn Quốc.

hoai-khanh-2.jpg
Bài thơ “Đồng hồ báo thức” của nhà thơ Hoài Khánh được đăng tải trên Tạp chí thơ Châu Á (Ảnh: NVCC).

Phân tích rõ hơn về hình ảnh ẩn dụ trong bài thơ, nhà thơ Hoài Khánh cho hay, bé kim giây đại diện cho thế hệ thiếu nhi, bác kim giờ, anh kim phút đại diện cho thế hệ cha anh.

Mỗi chiếc kim đồng hồ sẽ có một cách đi và nhịp độ riêng biệt, giống như mỗi thế hệ trong xã hội sẽ có tính cách khác nhau, cách sống khác nhau, tốc độ phát triển khác nhau nhưng tựu chung vẫn góp phần làm nên thành quả tốt đẹp cho xã hội.

Đặc biệt, với bé kim giây, hay cũng chính là thế hệ trẻ em ngày nay, sự nhanh nhẹn, láu lỉnh, tinh nghịch của các em hoàn toàn có thể mang lại giá trị tích cực cho mọi người xung quanh.

hoai-khanh-3.png
Nhà thơ Hoài Khánh đọc tác phẩm của mình được in trong sách giáo khoa tiếng Việt, bộ sách “Cánh diều” (Ảnh: NVCC).

Nhà thơ Hoài Khánh cho hay, dịp hè năm 1994, bài thơ “Đồng hồ báo thức” đã được nhà thơ Phạm Hổ đánh giá là bài thơ báo hiệu cho “thơ thiếu nhi của tương lai” nhờ đề tài hiện đại cùng phương thức truyền tải bài học giáo dục một cách kín đáo.

“Giáo dục là một chức năng của văn học. Bài thơ muốn đề cao vai trò của thiếu nhi trong xã hội hiện đại, rằng các em không hề nhỏ bé, hoàn toàn có thể đóng góp giá trị cho chiến công chung của toàn xã hội”, nhà thơ Hoài Khánh phân tích.

Thời điểm sáng tác xong bài thơ cũng là lúc nhà thơ cảm nhận được rằng “cả đời cũng không viết được bài thơ nào vượt qua bài thơ này”. Kể từ lúc đó, ông quyết định gắn bó với lĩnh vực thơ thiếu nhi, xác định vị trí của mình: “Phải sống và viết cho thiếu nhi”.

“Sáng tác thơ cho thiếu nhi chỉ cần viết những điều dễ hiểu để các em hiểu cuộc sống, yêu cuộc đời hơn.

Chính vì thế, tác giả viết cho thơ thiếu nhi, những người có tấm lòng với trẻ em, cũng không cảm thấy buồn chán vì nhận thức rằng, nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ tiếp theo là bổn phận của người lớn, của thế hệ đi trước và đặc biệt là của người cầm bút”, nhà thơ Hoài Khánh cho hay.

hoai-khanh-4.png
Nhà thơ Hoài Khánh với 200 sáng tác thơ thiếu nhi trong suốt 40 năm cầm bút (Ảnh: NVCC).

Sau hai lần trở thành người sáng tác ngữ liệu cho sách giáo khoa, nhà thơ nhận thấy, số lượng tác phẩm được đưa vào sách nhiều hơn trước do đa dạng bộ sách, tạo nên sự phong phú trong bài học cũng như giọng điệu văn chương.

Tuy nhiên, việc một tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa không phải chuyện dễ vì phải trải qua nhiều vòng với nhiều tiêu chí khắt khe, được cân nhắc bởi nhiều chuyên gia. Điều này cũng là một cái khó trong quá trình tìm kiếm tác phẩm và biên soạn sách giáo khoa của đội ngũ biên tập.

“Tác phẩm văn thơ dành cho thiếu nhi có rất nhiều nhưng để đạt tiêu chuẩn đưa vào sách giáo khoa lại khá ít vì bản thân các tác giả khi sáng tác cũng không nghĩ đến việc tác phẩm của mình sẽ được đưa vào sách giáo khoa.

Trong khi đó, sách giáo khoa đòi hỏi rất cao về tính dễ hiểu, dễ dạy, đáp ứng được ngữ liệu văn chương, ngôn ngữ và phù hợp với thời hiện đại”, nhà thơ Hoài Khánh phân tích.

Ngoài bài thơ “Đồng hồ báo thức”, nhà thơ Hoài Khánh cũng có nhiều tác phẩm khác được đưa vào làm ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Trong đó, bài thơ “Bên ô cửa đá” (Sách tiếng Việt lớp 3, tập 2, bộ sách “Cánh diều”) sáng tác về thiếu nhi dân tộc miền núi; bài thơ “Chú hải quân” (Sách tiếng Việt lớp 3, tập 2, bộ sách “Cánh diều”) ngợi ca chiến sĩ hải quân trong thời bình và bài thơ “Mỗi lần cầm sách giáo khoa” (Sách tiếng Việt lớp 4, tập 1, bộ sách “Cánh Diều”). truyền cảm hứng về văn hóa đọc và nâng cao ý thức giữ gìn trang sách tới các em học sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài thơ 2 lần được đưa vào sách giáo khoa được đăng tải trên Tạp chí thơ Châu Á