Bám bản 'gieo mầm' tương lai

12/06/2023, 06:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Muốn bám trụ ở bản vùng cao thì bên cạnh tình yêu nghề, thầy cô còn phải được bà con quý mến, đùm bọc…"

“Thời gian đầu, vợ chồng tôi hết sức khó khăn. Lương thấp, lại chưa có nhà nên cuộc sống tạm bợ. Nhất là khi sinh con đầu lòng. Bà nội lên chăm cháu một thời gian không chịu được đã bỏ về. Hơn một năm sau tôi cũng cho con về quê cùng ông bà để có điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tốt hơn”, chị Huế nhớ lại.

Thầy Mai Xuân Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2010, một người dân địa phương đã cắt ra một phần đất của gia đình cho thầy Tuân mượn để làm nhà riêng. Bà con không lấy bất cứ chút kinh phí nào, đồng thời cam kết sẽ không đòi lại nếu vợ chồng thầy không rời đi.

Có đất, tập thể giáo viên trong trường và bà con ở bản cùng chung tay hỗ trợ. Người đi lấy gỗ, người góp sức… Chỉ trong hơn một tháng, căn nhà đã hoàn thành. Nhờ sự hỗ trợ này, vợ chồng thầy Tuân có thêm động lực xây dựng “tổ ấm”, xác định gắn bó lâu dài với Tênh Phông. Từ đó đến nay, thầy cô đã sinh thêm 1 bé gái.

“Nhà trường có tổng số 25 giáo viên. Hơn nửa trong số này đều là người dưới xuôi lên công tác. Thầy cô đều gắn bó và yêu nghề. Nhưng phải thừa nhận là một động lực rất lớn là từ sự tin tưởng, yêu mến và sẻ chia của bà con ở đây. Ngoài cho mượn đất, giúp sức dựng nhà, bà con còn rất nhiệt tình khi thầy cô, nhà trường cần sự hỗ trợ”, thầy Hà bộc bạch.

Bám bản 'gieo mầm' tương lai ảnh 3

Vợ chồng thầy giáo Đàm Anh Tuân trong căn nhà được dựng lên nhờ sự hỗ trợ của bà con địa phương.

Cho cô… “mượn con”

Một tuần mới tại điểm bản của cô giáo Giàng Thị Sú, Trường Mầm non Sính Phình (huyện Tủa Chùa) bắt đầu bằng hành trình vượt gần 20km ngược núi. Vì trời không mưa, cô Sú xuất phát từ nhà lúc 5 giờ sáng. Sau hơn một giờ vật lộn trên con đường đất đỏ và đá hộc men sườn núi, cô Sú mới đến được điểm bản. Dãy nhà mới xây gồm 2 phòng học khang trang nổi bật giữa làn sương mờ bao phủ. Toàn bộ cơ sở vật chất này mới được một tổ chức từ thiện đầu tư xây dựng, bàn giao đầu năm 2023.

Cánh cổng được làm bằng tấm thép đan còn đóng, song rất đông học sinh đã đứng ngoài chờ sẵn. Vừa thấy cô giáo, bọn trẻ hối nhau ùa ra đón. Chúng khúc khích chia nhau túi kẹo cô Sú mang từ thị trấn vào. Sau màn chào hỏi ngắn gọn, cô giáo bắt tay vào công việc đầu ngày là vệ sinh cá nhân cho từng trẻ.

Điểm trường lẻ Phiêng Páng có tới 40 học sinh, với đủ các lứa tuổi và 100% là người Mông. Do thiếu giáo viên nghiêm trọng nên nhà trường không thể bố trí thêm người. Một mình cô Sú đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, giảng dạy kiêm luôn cả việc “làm mẹ” của bọn trẻ. Cô tâm sự: Do nhà các em đa phần ở xa lớp, bố mẹ bận mải đi nương nên phần lớn thời gian trong ngày là ở với cô. Thời gian đầu mới nhận lớp, cô Sú đều đặn đi về mỗi ngày. Nhưng vì trẻ đông, mất nhiều thời gian chăm sóc, nhiều hôm phụ huynh đến đón muộn nên cô giáo cũng phải “đi sớm, về khuya”.

Phiêng Páng cách trung tâm gần 20km. Đường hoàn toàn bằng đất và đá hộc nên dù trời nắng, đi lại cũng hết sức khó khăn. Cách trở về giao thông cộng thêm việc chưa có sóng điện thoại khiến bản được xem như “ốc đảo”. Đặc biệt là vào những ngày mưa lớn, sương mù, không thể di chuyển nên cô Sú phải ở lại bản, có thời gian kép dài cả tháng.

Giữa chốn rừng xanh, cô Sú coi lớp học là nhà, bà con dân bản là người thân và học trò như con ruột. Để khỏa lấp “khoảng trống” về thời gian, tình cảm gia đình, cô lấy học sinh làm niềm vui mỗi ngày. “Không biết là tôi nương tựa các con, hay các con tựa vào tôi. Nhưng chắc chắn là không có tụi nhỏ, tôi sẽ cô đơn lắm!”, cô Sú bảo.

Bởi coi bọn trẻ như con nên cô dành mọi sự quan tâm, chăm sóc và tình thương cho chúng. Từ 5 giờ sáng dậy đun nước nóng để pha rửa mặt, tay chân cho bọn trẻ. Rồi chải tóc, chỉnh trang quần áo cho từng đứa… khiến hôm nào cô cũng “xoay như chong chóng”. Trưa đến, cả “căn nhà” náo nhiệt bởi tiếng bọn trẻ hò nhau ăn cơm, dọn bát…

“Cả ngày có học sinh thì vui rồi. Ai cũng bảo, tối đến là khoảng thời gian sợ nhất của cô giáo cắm bản. Nhưng ở đây tôi không cô đơn vì mỗi tối đều có ít nhất 3 - 5 con lên ngủ cùng. Bọn trẻ cứ ríu rít bên cạnh đòi tôi kể chuyện, đọc thơ… chẳng còn thời gian đâu mà buồn”, cô Sú bộc bạch.

Chia sẻ về thói quen này, cô Sú kể, trước kia, tại bản có cả điểm trường tiểu học nên lúc nào cũng có vài giáo viên ở cùng. Nhưng từ năm 2020, học sinh tiểu học được đưa hết về trung tâm, tại bản chỉ còn mầm non. Sau nhiều lần thấy cô giáo một mình cô đơn tại điểm trường, bà con đã quyết định thay nhau cho con lên ngủ cùng.

Nhờ những “đứa con mượn”, cô Sú dễ dàng vượt qua chuỗi ngày ròng rã cắm bản tưởng chừng đơn độc. Để rồi, khi mặt trời xuống núi, nơi điểm trường nhỏ nằm giữa thung sâu vẫn ríu rít, rộn vang tiếng cười. “Hôm nay cũng là một ngày như thế, tôi lại mượn con!” - cô Sú nói cùng niềm hạnh phúc hiện rõ trong ánh mắt rưng rưng dõi theo bọn trẻ…

Phụ huynh ở đây tâm lý lắm. Ngày nào đưa con đến lớp cũng hỏi cô giáo hôm nay có ở lại không. Hễ cô gật đầu là tối kiểu gì cũng có vài phụ huynh đưa con lên. Họ bảo cho cô mượn để đỡ buồn. Thường thì bà con chỉ cho trẻ mẫu giáo lớn lên vì ở lứa tuổi ấy các con đã tự giác, biết nền nếp, tôi không phải chăm sóc, dỗ dành nhiều, cô Sú trải lòng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bam-ban-gieo-mam-tuong-lai-post642636.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bam-ban-gieo-mam-tuong-lai-post642636.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bám bản 'gieo mầm' tương lai