Bám trường nuôi dạy trẻ ở vùng 'rốn lũ'

Phương Hồ | 10/12/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hơn 20 năm công tác trong ngành Giáo dục là từng ấy năm cô giáo Hoàng Thị Thắm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ tại vùng rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh.

Giáo viên vùng lũ

Cô giáo Hoàng Thị Thắm (SN 1980) hiện là Tổ trưởng tổ chuyên môn Mẫu giáo khối 3 tuổi Trường Mầm non Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Năm 2003, sau khi ra trường, cô giáo trẻ Hoàng Thị Thắm được phân công dạy học ở vùng “ngược ngàn” cách gia đình hơn 50km. Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cô Thắm không khỏi xúc động: “Ngày đó, Trường Mầm non Hương Thủy cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, địa bàn dân cư vừa xa, đường sá đi lại hết sức chật vật. Nhưng chẳng hiểu sao, mình chẳng thấy ngại, chỉ hừng hực lửa nhiệt tình vì đam mê với nghề lắm”.

Bám trường nuôi dạy trẻ ở vùng 'rốn lũ' ảnh 1
Cô giáo Hoàng Thị Thắm - GV Trường Mầm non Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Thế nhưng, thử thách không dừng lại đó, do đời sống thiếu thốn, nên việc chăm lo việc học tập cho con em phụ huynh nơi đây còn chểnh mảng. Dù em học sinh dù đã 4-5 tuổi nhưng bố mẹ vẫn chưa cho ra lớp. Vậy là, mỗi ngày thay vì bắt đầu buổi học từ 7h, cô Thắm và nhiều giáo viên phải dậy từ 4-5h sáng để sang tận nhà gọi học sinh tới trường.

“Ngày trước, đường đi không thuận lợi như bây giờ, nhiều điểm lẻ ở nhà văn hóa tận bên kia sông. Giáo viên phải đi đò để sang các điểm lẻ để dạy học cho các em. Không chỉ ngày thường mà tranh thủ ngày nghỉ GV phải đến nhà để thuyết phục và động viên phụ huynh cho trẻ ra lớp. Cũng nhờ những ngày như thế mà tình cảm giữa giáo viên và phụ huynh nơi đây vô cùng gắn kết”, cô Thắm tâm sự.

Bám trường nuôi dạy trẻ ở vùng 'rốn lũ' ảnh 2
GV Trường Mầm non Hương Thủy dọn dẹp, đưa đồ dùng lên tầng 2 trước mỗi mùa mưa lũ.

Khi trường Mầm non Hương Thủy được tạo điều kiện xây dựng cơ sở vật chất, việc dạy học tập trung về một điểm. Những cây cầu được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi đến trường. Tuy nhiên với đặc thù vùng "rốn lũ", mỗi năm vào mùa mưa, các giáo viên nhà trường luôn “lên dây cót” để kịp thời ứng phó.

“Đến mùa lũ, nước sông dâng cao đi lại vô cùng khó khăn. Nhưng nhà trường và GV luôn chủ động đưa đồ dùng học tập của trẻ lên cao để tránh hư hỏng. Những năm đầu mới về trường, mình cũng lúng túng lắm nhưng giờ giáo viên vùng rốn lũ rồi nên những việc này ai cũng quen”, cô Thắm nói.

Dù cuộc sống nơi vùng biên khó khăn là thế nhưng cô và đồng nghiệp nơi đây luôn hết lòng dạy dỗ học sinh, tạo được sự tin tưởng, yêu mến đối với phụ huynh.

Dạy học bằng tình yêu và niềm đam mê

Năm học 2021 - 2022, cô Thắm được phân công giáo viên dạy lớp 3 tuổi kiêm tổ trưởng phụ trách chuyên môn tổ mẫu giáo 3 tuổi. Trong vai trò mới, cô giáo Hoàng Thị Thắm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình và hiểu rõ vai trò trách nhiệm của bản thân là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Để hoàn thành nhiệm vụ, cô Thắm đã xây dựng kế hoạch cụ thể từ đầu năm, phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ cho độ tuổi, phụ trách mảng hoạt động phù hợp với năng lực và sở trường của từng thành viên trong tổ.

Bám trường nuôi dạy trẻ ở vùng 'rốn lũ' ảnh 3
Một tiết học của lớp 3 tuổi do cô Hoàng Thị Thắm chủ nhiệm.

Bản thân cô thường xuyên gần gũi sát sao với các thành viên trong tổ qua các hoạt động như: Thăm lớp dự giờ, tổ chức giờ dạy mẫu, kiểm tra hồ sơ, làm đồ dùng đồ chơi… Việc giảng dạy và các hoạt động đều được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo đúng thời hạn, có hiệu quả. Hoạt động dạy và học ngày càng được tổ chức nề nếp hơn trước và tăng dần được chất lượng.

“Trong giảng dạy, tôi nghĩ GV cần phải luôn sáng tạo và đổi mới bài dạy để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Dạy học không chỉ có niềm đam mê mà phải yêu thương trẻ như người mẹ hiền thì trẻ mới yêu thích đến lớp và hứng thú tham gia các hoạt động do cô tổ chức ”, cô Thắm chia sẻ.

Nhờ đó mà lớp do cô chủ nhiệm luôn duy trì được sĩ số trẻ từ đầu năm học đến cuối năm học đạt 100%, không có trẻ bỏ học giữa chừng; 100% số trẻ đều nắm vững kiến thức qua 5 lĩnh vực phát triển. Bé ngoan đạt tỷ lệ 90%. Chuyên cần đạt 90%. Trẻ ăn bán trú tại trường đạt 100%. Đảm bảo an toàn cho trẻ không xảy ra các tai nạn thương tích và bạo lực học đường…

Bám trường nuôi dạy trẻ ở vùng 'rốn lũ' ảnh 4
Trong giảng dạy, cô Thắm luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học tạo hứng khởi cho học sinh.

Trong vai trò là Tổ trưởng chuyên môn, cô Thắm còn được đồng nghiệp yêu mến bởi sự nhiệt tình, luôn hỗ trợ đồng nghiệp đặc biệt là các thầy cô giáo trẻ trong công tác giảng dạy.

“Cô giáo Thắm là một giáo viên giỏi, luôn tâm huyết với nghề, nhiệt tình với công việc, với học sinh, luôn chịu khó tập trung về chuyên môn, chú trọng chất lượng dạy học. Những năm qua, bất cứ vai trò nào, cô Thắm cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo sự tin tưởng trong đồng nghiệp và phụ huynh”, cô Lê Thị Thắm – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Thủy bộc bạch.

Với những cống hiến của mình, cô giáo Hoàng Thị Thắm là GV giỏi cấp huyện nhiều năm liền (từ năm 2012-2021); Đạt giải Ba tại Cuộc thi Sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 3 cấp tỉnh; Giải Ba Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2024; Giấy khen của UBND huyện đạt thành tích cao trong kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh năm học 2020 – 2021; Giấy khen Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có thành tích trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2020 – 2021…

Đặc biệt, cô giáo Hoàng Thị Thắm vừa vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2022 do Bộ GD&ĐT trao tặng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bám trường nuôi dạy trẻ ở vùng 'rốn lũ'