Công tác hướng nghiệp càng chất lượng, việc phân luồng sẽ càng hiệu quả, chất lượng hơn nhờ sự vào cuộc của cả xã hội. Giải pháp cần thiết để thực hiện thành công hoạt động giáo dục hướng nghiệp là thực hiện chủ trương xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp Edutech, cung ứng nội dung số hoá, công cụ, phần mềm, chuyên gia, nguồn lực tốt để hỗ trợ giáo viên, nhà trường thực hiện công tác này.
Các ý kiến tại hội thảo phản ánh thông tin toàn cảnh về hoạt động đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh tại Việt Nam; mô hình hướng nghiệp suốt đời; biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong nhà trường. Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn cũng đã chia sẻ thành công của mô hình hướng nghiệp tại Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và nhân văn.
Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Giang phát biểu ý kiến tại hội thảo. |
Để thực hiện các nội dung chương trình hướng nghiệp, các đại biểu cho rằng cần có sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm, giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lý học đường, cán bộ Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên, cán bộ quản lý nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động trong nhà trường như cung cấp cho giáo viên phương pháp giảng dạy, công cụ hỗ trợ lên khung nội dung bài học về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo cách tinh gọn và bám sát chuẩn "đầu ra"; các giải pháp để gắn kết gia đình- nhà trường- người học và doanh nghiệp.
Tại hội thảo, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực đã cho ra mắt kênh hướng nghiệp suốt đời trên nền tảng mạng xã hội Tiktok (https://www.tiktok.com/@huongnghieptsc). Hệ sinh thái Giáo dục và Nghề nghiệp VitanEdu đã tặng các gói tài trợ học tập, bộ công cụ hỗ trợ hướng nghiệp cho một số trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.