Ban hành Luật Nhà giáo hướng đến sự bền vững của hệ thống GD

06/04/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Triển khai xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là cực kỳ cấp thiết, quan trọng khi giáo dục cả nước đang chuyển đổi mạnh mẽ theo Nghị quyết 29.

Các giá trị đặc thù nghề nghiệp: Dạy học có giá trị đặc thù, giúp người dạy hướng tới các chuẩn chất lượng giáo dục, chất lượng con người; có ý thức khám phá tự nhiên; ham học hỏi, ham hiểu biết; không ngừng tự hoàn thiện toàn diện bản thân; đam mê và yêu nghề; biết thích ứng và nhẫn nại; có đạo đức nhà giáo; thông thạo nghề nghiệp tiến tới tinh thông và nghệ thuật.

Các giá trị phục vụ: Nghề dạy học có khía cạnh dịch vụ, hoạt động tương tác, như: Hợp tác với đồng nghiệp; trách nhiệm nghề nghiệp, hội nhập và tham gia; học tập và giúp đỡ đồng nghiệp; có tác phong lãnh đạo quản lý.

Ban hành Luật Nhà giáo hướng đến sự bền vững của hệ thống GD ảnh 3

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội).

Cập nhật và phù hợp với xu thế thời đại

Những vấn đề định hướng về nguyên tắc nghề nghiệp dạy học có tính đồng thuận của nhiều quốc gia. Đó là 5 nội dung cốt lõi, được hiểu như nền tảng, sự hòa trộn đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, thái độ và niềm tin, được coi là đặc trưng cho sự bảo đảm giá trị của các nhà giáo thế kỷ 21, cụ thể:

Giáo viên cần tận tâm với học sinh và việc học hành của trẻ. Giáo viên thấy vinh dự, được trao tặng giá trị tri thức đến tất cả học sinh, tin tưởng tất cả học sinh có thể học và học hiệu quả. Giáo viên đối xử bình đẳng với tất cả học sinh, thừa nhận sự khác biệt từng cá nhân, bao dung với sự khác nhau trong hoạt động nhận thức, giáo dục.

Giáo viên hiểu học sinh phát triển theo cơ chế học tập như thế nào; làm cho học sinh biết tự học, tự vận dụng. Nhà giáo tôn trọng sự khác biệt về gia đình, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo của học sinh. Giáo viên phải lo lắng chia sẻ về động cơ, hiệu quả trong việc học của học sinh trên nguyên tắc quan hệ bình đẳng và tương tác; giúp học sinh biết hợp tác, giao tiếp; phân tích, chia sẻ với học sinh các đặc trưng về con người mới và nghĩa vụ làm người.

Giáo viên phải nắm vững các môn học và biết dạy các môn học như thế nào. Giáo viên phải làm chủ các môn học mà họ giảng dạy, hiểu sâu sắc về lịch sử, cấu trúc, sự phát triển và các ứng dụng thực tiễn của môn học; có kinh nghiệm trong giảng dạy bộ môn, thông hiểu các khó khăn về tiếp thu kiến thức và không có những định kiến sai lầm về sự tiếp nhận kiến thức của học sinh, trong các môn học khác nhau. Giáo viên có khả năng và nghệ thuật sư phạm và biết sử dụng linh tính nghề nghiệp để dạy cho học sinh hiểu, áp dụng; biết tận dụng phương tiện dạy học.

Giáo viên suy nghĩ một cách có hệ thống về khả năng học và thực hành nghề nghiệp của mình. Giáo viên hiện đại phải là “3 trong 1”, có nghĩa: Vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà chuyên môn, vừa là nhà nghiên cứu ứng dụng sư phạm.

Giáo viên tạo ra phong cách học cho bản thân, như: Học cách thức đi đến sự hiểu biết; coi trọng khám phá và khai phá trong học thuật; năng lực thực hành và thái độ thực tiễn trong nghề nghiệp; học cách độc lập, sáng tạo, linh hoạt trong nhận thức và hành động; biết mềm hóa tư duy và tùy cơ ứng biến; có phương pháp nghiên cứu đi từ phân tích đối tượng và môi trường để tìm giải pháp đồng bộ giải quyết những tình huống đa chiều.

Ban hành Luật Nhà giáo hướng đến sự bền vững của hệ thống GD ảnh 4

Ảnh minh họa/ INT

Giáo viên là thành viên của cộng đồng học tập; hợp tác với các đồng nghiệp khác về phối hợp hoạt động giảng dạy và giáo dục, phát triển chương trình và bồi dưỡng giáo viên thường xuyên. Giáo viên phải thúc đẩy trường học phát triển, có trách nhiệm bổ sung nguồn lực trong khuôn khổ mục tiêu chung của giáo dục và mục tiêu địa phương; luôn liên hệ với thực tiễn đang thay đổi, có tính toàn cầu. Giáo viên biết làm thế nào để hợp tác có hiệu quả với cha mẹ học sinh và cộng đồng trong xây dựng kế hoạch, phối hợp với các công việc chung của nhà trường.

Quan tâm đến nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng giáo viên

Luật Nhà giáo cần quan tâm đến quá trình đào tạo, đặc biệt là sử dụng và bồi dưỡng giáo viên. Quá trình đào tạo, bao gồm cả chính sách, chất lượng tuyển sinh sư phạm, nội dung chương trình, phương pháp tổ chức đào tạo, kiểm tra và đánh giá - tạo ra cơ sở ban đầu về phẩm chất, năng lực của người giáo viên. Lao động của giáo viên là lao động đặc thù, lao động trí óc, nên không những phục hồi sức khỏe cơ bắp mà cả sức khỏe trí tuệ, như năng lực hoạt động trí tuệ, chống lão hóa, sức ỳ của tư duy.

Hoàn cảnh, điều kiện lao động sư phạm của giáo viên cũng cần được quan tâm khi xây dựng Luật. Năng lực chỉ được biểu hiện trong hoạt động, quá trình làm việc, mà hoạt động lại phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, điều kiện sống và quá trình lao động của giáo viên. Tập thể sư phạm đoàn kết, gần gũi, say sưa với nghề nghiệp, hăng hái học hỏi, giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau, coi trọng tinh thần hơn giá trị vật chất.

Những điều kiện, cơ bản nêu trên rất cần thiết, không những phát huy mà còn nâng cao hoàn thiện các năng lực hiện có, là hạnh phúc lớn của những giáo viên có tâm huyết với nghề dạy học.

Nội dung quan trọng tiếp theo là ý chí, thói quen và năng lực tự học của giáo viên. Sự phát triển nhanh của xã hội đòi hỏi giáo dục nhà trường phải chuyển đổi, từ cách dạy chủ yếu là thông báo, thuyết trình sang giáo viên hướng dẫn để học sinh tự học, phát triển phẩm chất năng lực. Dạy học đổi mới không thể theo cách dạy đồng loạt, thụ động mà là dạy học phân hóa, cá thể hóa. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có năng lực tự học, tự trau dồi kiến thức mới cho mình, biết dạy học sinh tự học theo định hướng của giáo viên và tài liệu tự học.

Cuối cùng là xây dựng chiến lược phù hợp về bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên là khâu quan trọng, nhân tố để nâng cao tay nghề cho người dạy, tránh sáo mòn với những bài dạy cũ, cách dạy cũ. Nhân tố này thực chất là xây dựng đội ngũ giáo viên.

Do đó, cần tìm hiểu giáo viên học và tự bồi dưỡng như thế nào; các chương trình đào tạo giáo viên được thiết kế ra sao để có tính hiệu quả, giúp giáo viên lĩnh hội được kiến thức, kỹ năng, năng lực, cũng như giúp họ thành công trong môi trường dạy học mới. Như vậy, phải có chiến lược tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên và đổi mới, nhằm thay đổi những tồn tại cơ bản của cách dạy học cũ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ban-hanh-luat-nha-giao-huong-den-su-ben-vung-cua-he-thong-gd-post632949.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ban-hanh-luat-nha-giao-huong-den-su-ben-vung-cua-he-thong-gd-post632949.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban hành Luật Nhà giáo hướng đến sự bền vững của hệ thống GD