(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia tâm lý, lý do chủ yếu khiến con cái sống dựa dẫm là do cách giáo dục của chính bố mẹ. Việc nuông chiều thái quá, làm thay con mọi việc từ nhỏ tới lớn dẫn tới triệt tiêu khả năng tự lập, ý thức vươn lên của con.
Hầu hết, những người này khi gặp một chút khó khăn là rút lui, không cố gắng vượt qua. Ngoài ra, một phần khác, có thể do sự áp đặt của bố mẹ từ nhỏ, khiến họ luôn làm mọi thứ theo ý người lớn, trưởng thành mất phương hướng, không tự chủ về việc mình làm, sinh ra chán nản, buông xuôi.
Để khắc phục tình trạng này, tiến sĩ tâm lý học Joshua Coleman (Mỹ) cho rằng, cha mẹ nên biết khi nào thì nói không và khi nào nên nói đồng ý với những yêu cầu được giúp đỡ của con. Bạn chỉ cần xem xét các yếu tố sau: Sự giúp đỡ của tôi sẽ giúp con trưởng thành hơn hay trở nên phụ thuộc hơn? Sự giúp đỡ nên là vô điều kiện, hay có điều kiện? Cách nhìn nhận của tôi về con có đúng và phù hợp với bối cảnh hiện tại hay không?
(Ảnh minh họa)
Hãy bình tĩnh nói với con những gì bạn sẵn sàng hoặc không sẵn sàng hỗ trợ. Ví dụ, cha mẹ nên nói: "Bố/mẹ sẵn sàng giúp đỡ con trong những điều kiện sau đây". Trong trường hợp bạn sẵn sàng để giúp đỡ con cái, hãy làm điều đó bằng tình yêu thay vì đồng ý với lời phàn nàn hay buộc tội. Tuy nhiên, nên cứng rắn và chỉ ra cho con thấy khả năng của mình.
Trường hợp bạn không đủ khả năng để giúp đỡ con, hãy sẵn sàng để nói "Không". Tuyệt đối đừng dốc trọn tiền tiết kiệm cho tuổi già để giúp đỡ con cái. Bạn cũng có thể nói "Không" ngay cả khi đủ khả năng hỗ trợ, nếu thái độ của con thiếu tôn trọng.