Phản hồi các ý kiến này, TS Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng do đặc thù của ngành công an, quân đội và để thực hiện quy định về bảo vệ bí mật nhà nước theo Luật Bảo mật và an toàn thông tin, dự thảo thông tư quy định theo hướng không áp dụng đối với tiêu chí đánh giá về hội đồng trường, không áp dụng tiêu chuẩn về tài chính cũng như tiêu chí đánh giá nguồn thu từ hoạt động khoa học - công nghệ.
"Đối với các tiêu chí về tuyển sinh, đào tạo, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện như các cơ sở giáo dục ĐH khác. Nói cách khác, để bảo đảm tính thống nhất chung về hoạt động giáo dục ĐH, không thể có chuẩn riêng đối với các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Nhiều đặc thù lĩnh vực được thể hiện qua các hệ số tính toán trong phần hướng dẫn thực hiện chuẩn quy định tại dự thảo thông tư. Còn những yêu cầu riêng, cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực sẽ được thể hiện trong chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo" - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhấn mạnh.
Công khai kết quả hằng năm
Việc đạt chuẩn giáo dục ĐH hay không trên thực tế tùy thuộc vào số liệu trường ĐH cung cấp. Trước băn khoăn làm thế nào có thể bảo đảm những số liệu đó là tin cậy, chính xác và Bộ GD-ĐT có thẩm định những dữ liệu do nhà trường đưa ra hay không, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Thu Thủy giải thích: Theo dự thảo thông tư, kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục ĐH sẽ được cập nhật trong cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH quốc gia (HEMIS) và được các cơ sở xuất từ hệ thống HEMIS, in và ký đóng dấu, gửi báo cáo về bộ. Do đó, nếu dữ liệu các trường nhập lên hệ thống giáo dục ĐH quốc gia mà không chính xác thì báo cáo của các trường này cũng vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo bà Thủy, dự thảo thông tư không quy định hướng xử lý nếu các trường không đạt chuẩn. Kết quả thực hiện chuẩn theo quy định của thông tư này sẽ dùng làm căn cứ để xem xét hoạt động giáo dục ĐH của các trường theo quy định. Cụ thể, cơ sở giáo dục ĐH không đạt tiêu chuẩn, tiêu chí hay chỉ số đối với hoạt động giáo dục ĐH nào đó thì việc xử lý sẽ quy định tại Nghị định 04/2021/NĐ-CP hoặc các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
"Kết quả thực hiện chuẩn theo quy định tại dự thảo thông tư sẽ được Bộ GD-ĐT công bố công khai hằng năm, dự kiến lần công khai đầu tiên từ tháng 6-2025. Việc công bố công khai kết quả này là kênh thông tin đặc biệt quan trọng để toàn xã hội cùng giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH" - bà Thủy nhấn mạnh.
Ông HOÀNG MINH SƠN, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:
Người học nhìn vào là biết "sức khỏe" của trường
Thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục ĐH là một trong những văn bản khó và mất nhiều thời gian xây dựng. Việc xây dựng dự thảo thông tư này được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2021, lấy ý kiến các trường ĐH và các bên liên quan từ năm 2022. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là xuất phát từ yêu cầu đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, phải xây dựng một chuẩn chung để áp dụng thống nhất, bảo đảm công bằng.
Việc ban hành quy định không phải để chăm chăm đi phạt mà trước hết để các trường nhìn vào mà phấn đấu. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra bảo đảm quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là người học nhìn vào là biết "sức khỏe" của trường thế nào.
Việc đưa ra chuẩn cũng không phải để đối sánh, xếp hạng nhưng hiệu ứng phụ của việc công bố chuẩn sẽ là thông tin minh bạch cho xã hội, xã hội nhìn vào đó có sự đối sánh. Tỉ lệ khác nhau ở mỗi trường về từng tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ dẫn đến những tác động khác nhau. Đây là công cụ quan trọng quản trị trong từng trường học và quản trị toàn hệ thống.