Có thần tượng thì cũng tốt, “thần tượng giúp tôi vươn tới”, thần tượng không phải ở đâu xa mà ở quanh chúng ta. Đó là những nét đẹp tính cách, tài năng của con người ta đã gặp, giúp ta hoàn thiện bản thân. Đúng như ai đó đã nói rằng: “Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: Qua cuốn sách ta đã đọc, qua những người ta đã gặp”.
Nếu bạn tin vào những câu chuyện đẹp như mơ, rằng có những người chúng ta chỉ vô tình gặp trên xe buýt, tàu điện ngầm hay lướt qua nhau trên đường phố, chạm mặt nhau chỉ trong một khoảnh khắc, vậy mà lại có thể trở thành tình yêu của cả một đời thì xin bạn đừng cười nhạo những người đang yêu một ai đó chỉ bởi một lần nhìn thấy trên những tấm poster hay màn hình máy tính. Hâm mộ một thần tượng, đó cũng là thứ tình yêu. Vốn lẽ mọi tình yêu đều bình đẳng. Vấn đề là chúng ta đừng mù quáng vì tình yêu.
Khán giả vây kín trước khách sạn được cho là nơi nhóm Blackpink lưu trú ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh theo dantri.vn |
Tôi còn nhớ đề thi tuyển sinh đại học môn Văn, khối D năm 2012 phần nghị luận xã hội có yêu cầu bàn luận rằng: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Đề thi đặt ra vấn đề về cách ứng xử của mỗi người đối với thần tượng như thế nào cho đúng: Ngưỡng mộ hay mê muội? Và, rõ ràng, đề thi hướng chúng ta đến cách ứng xử có văn hóa là ngưỡng mộ, chứ không phải là mê muội để đánh mất mình.
Nhiều bạn trẻ đã ý thức đúng vấn đề thần tượng. Từ đó, họ có thái độ ứng xử rất văn hóa. Họ tôn trọng nhưng không đến nỗi cực đoan. Họ xem thần tượng cũng là một con người bình thường, có thể mắc phải sai lầm. Do đó, khi thần tượng của họ gặp phải vấn đề nào đó, họ không đến nỗi bi quan, chán chường với cuộc sống. Nghĩa là, họ không bị suy sụp, đổ gục theo thần tượng.
Một người bạn tôi chia sẻ rằng, ngày trẻ bạn thần tượng nghệ sĩ Lê Khanh, nhưng đến khi có tuổi rồi thì không có ai là thần tượng cả bởi vì người giỏi đến mấy, tốt đến đâu cũng có những mảng màu đen đằng sau. Bạn bảo, ngưỡng mộ, yêu mến, phục tài ai đó thôi. Nhưng có người để mình ngưỡng mộ, trau dồi và học tập thì cũng tốt. Các bạn trẻ cũng cần nhận thức được rằng, thần tượng cũng là con người chứ không phải thần tiên nên chỉ hâm mộ chứ không nên tôn sùng. Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn trẻ bắt chước theo các hành vi sai trái của một số thần tượng ảo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp hâm mộ một cách tiêu cực, làm ảnh hưởng đến sự yên bình của xã hội. Người hâm mộ quá khích đã tìm đủ mọi cách để gặp được thần tượng, bất chấp việc xâm phạm nơi ở riêng tư của người khác; theo dõi, gọi điện làm phiền…
Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người được hâm mộ, mà còn gây mất thời gian, công sức, tiền bạc. Ngoài ra, chúng ta dễ dàng xao nhãng cuộc sống của chính mình nếu quá tập trung bám đuổi, “theo đuôi” người khác. Và hậu quả có thể xảy ra nếu chúng ta không biết theo đuổi thần tượng một cách văn minh.
Để loại bỏ được những ảnh hưởng tiêu cực ấy, mỗi người cần không ngừng bồi dưỡng và trau dồi bản thân. Chỉ khi tầm hiểu biết được nâng cao, ta mới nhìn được mọi việc ở nhiều góc độ. Từ đó, đưa ra cho bản thân những phương hướng, bài học đúng đắn, bổ ích.
Nhà văn Uông Triều đặt ra một loạt câu hỏi “Idol (thần tượng) là ai? Ai xứng là thần tượng? Là thiết chế Nhà nước quy định, định hướng hay cá nhân tự cảm thấy? Đối xử thế nào với thần tượng?”.
Thần tượng một con người cũng giống như đeo tai nghe và vặn volume hết cỡ vậy, nhìn vào thì nghĩ im ắng, thật ra chỉ có mình mới hiểu nó cuồng nhiệt cỡ nào. Không ai có thể thiết chế hay định hướng được tình cảm của bạn dành cho ai đó phải ra sao. Do đó, chỉ có mỗi chúng ta mới biết phải làm như thế nào, phải bằng cách nào để có tình yêu với người mình ngưỡng mộ vừa đủ, tạo động lực cho bản thân đam mê điều mình yêu thích. Thái độ đối với thần tượng sẽ quyết định hành động của chúng ta là đúng hay sai.