Năng lực hiểu học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục. Dạy học chỉ có hiệu quả cao khi quá trình đó thực sự điều khiển được. Người thầy càng hiểu học sinh bao nhiêu thì quá trình sự học càng có căn cứ.
Một năng lực sư phạm cơ bản không thể thiếu được là năng lực hiểu học sinh. Đây là sự hiểu biết thế giới bên trong của trẻ. Người thầy có năng lực quan sát tinh tế sẽ hiểu được nhân cách, những biểu hiện tâm lý, trình độ văn hóa… của học sinh trong quá trình dạy học.
Năng lực hiểu biết sâu rộng. Đây là một năng lực cơ bản, năng lực trụ cột của người thầy giáo. Nghề dạy học đòi hỏi ở người giáo viên một tầm hiểu biết vừa rộng vừa chuyên sâu. Tri thức và tâm hồn của người giáo viên có tác động mạnh đến học sinh.
Năng lực chế biến tài liệu học tập. Giáo viên biết cách gia công về mặt sư phạm của giáo viên nhằm làm cho tài liệu thích hợp tối đa với trình độ và đặc điểm tâm lí học sinh của mình.
Biết xác định đúng đắn và chính xác tài liệu cần truyền đạt cho học sinh; biết chế biến tài liệu theo lôgic khoa học và lôgic sư phạm, nhất thiết phải biến đổi ngôn ngữ sách giáo khoa thành ngôn ngữ của chính mình trừ tên bài học, các đề mục và định nghĩa, công thức, quy tắc.
Năng lực tổ chức hoạt động học. Năng lực tổ chức hoạt động học cho học sinh là năng lực giao cho học sinh các nhiệm vụ học, tổ chức và hướng dẫn, kiểm tra học sinh thực hiện các hành động học để giải quyết được nhiệm vụ học.
Năng lực ngôn ngữ. Giáo viên biểu đạt rõ ràng và chính xác những tư tưởng, tình cảm của mình bằng ngôn ngữ cùng với nét mặt và điệu bộ tương ứng. Năng lực ngôn ngữ là một trong những năng lực quan trọng của người giáo viên.
Nó là công cụ sống còn đảm bảo cho người giáo viên thực hiện chức năng dạy học và giáo dục của mình. Sở dĩ như vậy là vì: Bằng ngôn ngữ, truyền đạt thông tin từ giáo viên đến học sinh, bằng ngôn ngữ thúc đẩy sự chú ý và sự suy nghĩ của học sinh vào bài học, bằng ngôn ngữ điều khiển và điều chỉnh hoạt động nhận thức của học sinh (4).
Cô Trần Thị Huyền (áo sáng) và sinh viên Trường Đại học An Giang. Ảnh: NVCC |
Năng lực vạch dự án phát triển nhân cách học sinh. Giáo viên biết dựa vào mục đích giáo dục, yêu cầu đào tạo mà hình dung trước cần phải giáo dục cho học sinh những phẩm chất nào và hướng hoạt động của mình để đạt tới hình mẫu trọn vẹn của con người mới.
Vừa có kỹ năng tiên đoán sự phát triển của học sinh, vừa nắm được nguyên nhân sinh ra cũng như mức độ phát triển của những thuộc tính đó. Có sự sáng rõ về những biểu hiện nhân cách của những học sinh khác sẽ thu được trong tương lai dưới ảnh hưởng của những dự án phát triển nhân cách do mình xây dựng.
Năng lực giao tiếp sư phạm. Giáo viên nhận thức nhanh chóng những biểu hiện bên ngoài và những diễn biến tâm lý bên trong của học sinh và bản thân giáo viên, đồng thời biết sử dụng hợp lý các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, biết cách tổ chức, điều khiển và điều chỉnh quá trình giao tiếp nhằm đạt được mục đích giáo dục.
Giáo viên có năng lực này tức có các kỹ năng định hướng giao tiếp, Kỹ năng định vị, Kỹ năng sử dụng phương tiện giao tiếp, Kỹ năng tổ chức và điều khiển, điều chỉnh quá trình giao tiếp sư phạm: Biết kiềm chế các cảm xúc mạnh, khắc phục những tâm trạng có hại.
Năng lực cảm hóa học sinh. Năng lực này phụ thuộc vào một tổ hợp các phẩm chất nhân cách của người giáo viên như tinh thần trách nhiệm, niềm tin và kỹ năng truyền đạt niềm tin, sự tôn trọng học sinh, chu đáo, khéo léo đối với sư phạm, lòng vị tha và các phẩm chất ý chí khác.
Năng lực đối xử khéo léo sư phạm. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng tìm ra được những tác động sư phạm đúng đắn nhất như một nghệ thuật. Sự nhạy bén về mức độ sử dụng bất kỳ mọi tác động sư phạm nào (khuyến khích, trách phạt, ra lệnh...).
Nhanh chóng xác định được vấn đề xảy ra và kịp thời áp dụng những biện pháp thích hợp. Biết phát hiện kịp thời và xử lý khéo léo những vấn đề xảy ra bất ngờ, không nóng vội, không thô bạo. Biết biến cái bị động thành cái chủ động, giải quyết một cách mau lẹ các vấn đề phức tạp đặt ra trong công tác dạy học và giáo dục.
Ngoài những nhóm năng lực trên, người giáo viên cần có năng lực tổ chức các hoạt động sư phạm như các hoạt động cho cá nhân và tập thể học sinh trong những điều kiện sư phạm khác nhau, vừa là hạt nhân để gắn học sinh thành một tập thể, vừa là người tuyên truyền và liên kết, phối hợp các lực lượng giáo dục.
Vì thế, năng lực tổ chức hoạt động sư phạm là tất yếu, cần có trong năng lực của người giáo viên.
Năng lực tổ chức hoạt động sư phạm của người giáo viên được thể hiện, trước hết ở chỗ, tổ chức và cổ vũ học sinh thực hiện các nhiệm vụ khác nhau của công tác dạy học và giáo dục ở trên lớp cũng như ngoài trường, trong nội khóa cũng như trong ngoại khóa, cho từng học sinh cũng như cho tập thể của chúng; Năng lực tổ chức hoạt động sư phạm còn thể hiện ở chỗ, biết đoàn kết học sinh thành một tập thể thống nhất, lành mạnh, có kỉ luật có nền nếp đảm bảo cho mọi hoạt động của lớp diễn ra một cách thuận lợi.
Mục đích cơ bản của hoạt động giáo dục là nhằm đào tạo các thế hệ chủ nhân của đất nước có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy người thầy luôn luôn trau dồi, rèn luyện năng lực chuyên môn, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, năng lực dự báo.
Đồng thời, tăng cường phương pháp giảng dạy linh hoạt, đa dạng, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích người học phát huy tính năng động, độc lập trong tư duy và năng lực đổi mới sáng tạo để quá trình học tập, nghiên cứu cho ra những sản phẩm thiết thực, có tính ứng dụng cao, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.402-403.
2. Tạ Minh Ngọc, từ điển Tiếng Việt.
3. Lê Văn Hồng, Lê Văn Hồng (chủ biên), (1998), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.190.
4. Trần Thị Huyền. Giáo dục học. Tài liệu giảng dạy. Trường Đại học An Giang.