Khoảng giữa năm 1987, khi tình cảm giữa tôi và bà xã bây giờ đã nâng lên kha khá thì bố mẹ tôi bảo chúng tôi xin “các cụ trên nhà cho bố mẹ lên nói chuyện chính thức cho hai đứa đi lại với nhau”. Bố tôi thường nói phong tục cưới hỏi xưa rất nhiêu khê, giờ điều kiện khó khăn không nên nệ cổ.
Vậy nhưng cũng không nên nôm na quá mà cần trân trọng, chân thành, ý nghĩa. Vậy là quyết định được đưa ra: Làm món bánh rán “tiến vua”. Nghe vậy thì biết vậy thôi chứ biết nó thế nào. Ngay mẹ tôi là người năng làm các loại bánh, có lúc cũng làm cả bánh ra chợ bán mà cũng không biết.
Cây duối cổ thụ còn sót lại ở Cổ Nhuế (lá duối là một nguyên liệu tạo nên độ giòn của bánh rán 'tiến vua'). Ảnh: Huy Bằng. |
Bố đích thân chỉ đạo như sau: Trước hết là giã gạo, rây ra bột thật mịn với tỷ lệ hai nếp một tẻ. Sau, bố bảo anh em ra ngõ vặt một rổ xảo lá duối. Lúc đó, cổng nhà tôi còn cây duối to, lá khá ròn, quả lấm tấm vàng như hạt ngô to.
Chúng tôi chỉ biết chặt cành duối lấy gỗ đẽo quay và nhấm nháp quả duối chứ chưa biết dùng lá duối làm gì bao giờ. Lá duối xanh, không sâu được rửa sạch, cho vào cối giã nhỏ, chế chút nước vào rồi vắt ra được bát nước xanh xanh đem trộn với bột được nắm to hơn quả bưởi, dẻo mà không dính.
Bố đặt cái nồi gang to lên bếp, đổ hơn nửa phạng mỡ rán từ mấy cân thịt lợn mua bằng phiếu tăng gia để dành đã lâu. Chờ mỡ nóng già thì dàn “quả bưởi” mỏng ra như cái thớt nhỏ, dày khoảng 2cm, đặt cân vào giữa nồi, ngập mỡ, đun nhỏ lửa.
Bột cứ phồng lên lại lấy đũa chọc xuống. Cứ chọc lên chọc xuống đến lúc thấy bột chín vàng, phồng như cái bánh đa nướng thì vớt ra để vào cái sàng cho róc mỡ. Mùi nếp, mùi mỡ thơm ngậy, bọn trẻ đã thèm lắm, có đứa nuốt nước bọt không giấu được. Lúc này, bố mới rưới mật mía pha chút mạch nha lên.
Cái bánh to gần bằng lòng mâm đồng, bột rán màu vàng sẫm, bóng nhoáng mỡ lợn, màu nâu nhễ nhại của mật, mùi thơm ngào ngạt mang lại cảm nhận chưa từng có cho các giác quan. Bố bảo bánh này xưa gọi là bánh “tiến vua”, có thể để cả tháng được, cũng là một món truyền thống của làng. Trông thế mà rất giòn, khi ăn chỉ cần bẻ bằng tay.
Sáng hôm sau, bố mẹ mang một cái lên nhà vợ tôi để chạm ngõ “xin cho hai cháu chính thức đi lại với nhau”. Có lẽ nhà vợ tôi (cũng như nhiều nhà khác) đều lạ với món này nên bố tôi hai tay bưng mâm bánh rán mà thưa rằng: “Thưa các cụ, các ông, các bà! Được phép của các cụ và hai gia đình, hôm nay chúng con lên thăm gia đình ta và xin có lời chính thức cho hai cháu đi lại. Phong tục cưới xin của tổ tiên thì không dám bỏ nhưng điều kiện bây giờ cũng khó câu nệ được đầy đủ.
Chúng con trộm bắt chước các cụ xưa làm món bánh rán “tiến vua” trước là thắp hương báo cáo các cụ tổ tiên, sau là mời cả nhà thưởng thức. Hôm nay là ngày vui, khởi đầu với mong muốn quá trình tiếp theo tốt đẹp.
Thần tích - Thần sắc làng Cổ Nhuế nêu rõ đồ cúng tế có bánh rán. Ảnh: Huy Bằng. |
Bánh rán là một lễ vật cổ truyền của Cổ Nhuế ta, chả biết con làm có đúng không nhưng lòng chúng con mong tình cảm hai gia đình luôn tròn vành vạnh, ngọt ngào ấm áp với câu chuyện khởi đầu ròn rã để tình cảm mãi nở nang như cái bánh này”.
Món bánh rán đặc biệt này đã chính thức mở đầu câu chuyện hạnh phúc trăm năm của chúng tôi như vậy. Mọi người có mặt đều hoan hỷ, chuyện trò râm ran, cùng nhau thưởng thức, khen ngon, khen lạ.
Ấy, cái chuyện bánh rán “tiến vua” của tôi đại để là vậy. Giờ thì Cổ Nhuế đã lên phường. Nhiều hủ tục phải bỏ nhưng nhiều truyền thống quý rất cần được quan tâm chắt lọc, lưu giữ.
Các món quý hiện nay có mác “tiến vua” ngày càng xuất hiện nhiều trong văn hóa và thương mại. Truyền thuyết của Cổ Nhuế hiện được ghi lại cũng chỉ nói là khi Đông Chinh Vương (hoàng tử thứ ba của Lý Thái Tổ) đi đánh trận qua làng thì các bô lão mang bánh trái ra cung cấp cho đội quân.
Khi ngài thắng trận trở về cũng lại mang bánh trái ra khao quân. Bánh rán tiến vua với mật, mỡ, nếp, tẻ vừa có nhiều chất, vừa là đồ khô dễ mang theo, để được lâu (không có nhân nên lâu thiu), dễ sử dụng mà dùng ăn đường thì quá tốt.
Tôi không có cứ liệu để nói cụ thể loại bánh này “tiến vua” thế nào? Và loại bánh rán như mô tả trên đây cũng không nhìn thấy ở đâu nữa (ngoại trừ món bánh dạm ngõ cho tôi kể trên).
Làng cũng không còn mấy cây duối nữa nhưng “công nghệ làm bánh ” như trên thiết nghĩ cũng chẳng khó gì. May là cổng nhà bố vợ tôi nay còn một cây duối cổ, rất to (năm 1987 lên “cưa” bà xã thì hay đứng chờ/ chia tay ở gốc duối này). Cây duối khá cao, lá luôn xanh tốt, hàng ngày bố vợ tôi vẫn ngồi trong nhà nhìn ra cây duối này và luôn lưu ý việc giữ gìn cây quý dài lâu.
Thấy tôi viết bài này, con gái “gạ” bố “hôm nào thử làm lại món bánh rán này bố nhé”. Tôi rất vui bảo con lên kế hoạch tụ tập mấy chị em thực hiện sớm luôn (không cần chờ bố để dành mỡ như ông làm xưa nữa!).