Bao giờ có 'ngân hàng sáng kiến'?

Hà Nguyên | 03/05/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng kiến thực sự có giá trị khi được đúc kết từ thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dạy - học.

Cần xây dựng ngân hàng dữ liệu dùng chung

Thư viện Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có khu vực lưu trữ các sáng kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng cho biết: “Các sáng kiến được giải từ cấp trường trở lên, nhà trường đều yêu cầu giáo viên nộp thêm một bản để lưu trữ, trở thành tài liệu tham khảo chung của các tổ chuyên môn”.

Ở Trường Tiểu học Núi Thành, ngoài thẩm định ở vòng sơ loại của hội đồng cấp tổ thì các sáng kiến đạt giải cấp quận, thành phố… đều được chia sẻ, phổ biến tại cuộc họp các tổ chuyên môn.

Tuy nhiên, cô Kim Vân nhận xét rằng, rất khó để giáo viên trường này có thể tiếp cận, học hỏi từ những sáng kiến đạt giải cao của giáo viên trường bạn. “Các thầy cô chỉ có thể trao đổi, học tập sáng kiến của nhau dựa trên các mối quan hệ cá nhân. Hiện nay, Sở GD&ĐT chỉ công bố danh sách, tên đề tài sáng kiến được giải cao. Chưa có một kênh nào để giáo viên có thể tham khảo, học tập sáng kiến đồng nghiệp”, cô Kim Vân cho biết.

Thầy Lê Mạnh Tấn, giảng dạy môn Sinh học, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) cho rằng, sáng kiến bao giờ cũng có tính mới và đó là những nghiên cứu ứng dụng, lí thuyết dạy học của giáo viên vào thực tế. Đối với nhà giáo, đây còn được coi như hình thức nghiên cứu, tự học để phát triển chuyên môn, hoàn thiện năng lực sư phạm.

Vì vậy, rất cần xây dựng một ngân hàng dữ liệu để cộng đồng giáo viên có thể chia sẻ, học tập kinh nghiệm, phương pháp dạy học của nhau nhằm góp phần nâng cao chất lượng. Với giáo viên trẻ, việc tiếp cận các sáng kiến của đồng nghiệp cũng giúp họ bớt những bỡ ngỡ, lúng túng trong thời gian đầu bước vào công việc dạy học, khi chưa tích lũy được kinh nghiệm đủ nhiều.

Nhiều giáo viên cho rằng, việc xây dựng ngân hàng dữ liệu sáng kiến, công bố công khai cũng sẽ hạn chế được tình trạng giáo viên viết sáng kiến một cách đối phó. “Trên mạng, rất nhiều trang web đã đăng tải một số đoạn trích sáng kiến, tiểu luận… của giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục mà muốn tải về để tham khảo thì người dùng buộc phải mua.

Nếu ngành GD&ĐT công khai các dữ liệu sáng kiến thì sẽ không có tình trạng mua – bán như hiện nay, giáo viên buộc phải đầu tư nghiêm túc khi viết sáng kiến chứ không thể cắt dán từ những sản phẩm trôi nổi trên mạng” – cô Minh Thùy nêu ý kiến.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành: “Trong khi chưa xây dựng được ngân hàng dữ liệu dùng chung cho các sáng kiến, nhiều cán bộ, giáo viên, thông qua các tài khoản mạng xã hội, qua trao đổi sinh hoạt cụm chuyên môn… đã có sự trao đổi, chia sẻ sáng kiến của bản thân để đồng nghiệp có thể tiếp cận, học tập và góp phần nhân rộng”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bao-gio-co-ngan-hang-sang-kien-post635862.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bao-gio-co-ngan-hang-sang-kien-post635862.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ có 'ngân hàng sáng kiến'?