(GDTĐ) - Ngày 20/3/2024 tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị khách hàng với chủ đề: “ Bảo tàng Hồ Chí Minh- Hành trình kết nối văn hóa”. Tham dự hội nghị có đại diện Phòng quản lý lữ hành- Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Sở Du lịch Hà Nội, 16 đơn vị lữ hành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng đông đảo các hướng dẫn viên tại Hà Nội, đại diện các cơ sở đào tạo Du lịch tại Hà Nội.
Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những Bảo tàng lớn nhất Việt Nam, là nơi trưng bày đầy đủ nhất về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng có hệ thống trưng bày theo phương pháp Bảo tàng học hiện đại, có nhiều khu vực trưng bày động, hấp dẫn có thể kết nối nhiều nội dung thành một câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, tính tư tưởng và những bài học về đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong công tác trưng bày và phục vụ hướng dẫn , đón tiếp khách tham quan: mã QR, WiWi, Audioguide… Bảo tàng Hồ Chí Minh có đội ngũ thuyết minh nhiều kinh nghiệm, phục vụ tốt cho các đối tượng khách tham quan. Ngoài ra, Bảo tàng còn có các khu công năng, khu dịch vụ, cửa hàng Bảo tàng, bãi đỗ xe, nơi đón tiếp khách và các tiện ích khác để phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết: Hơn 30 năm qua, kể từ ngày chính thức mở cửa đón khách tham quan(19/5/1990), Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón tiếp và phục vụ hơn 30 triệu lượt khách, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hoạt động của Bảo tàng đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giới thiệu và phát huy các giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Trong năm 2023 vừa qua, cùng với những khởi sắc trong lĩnh vực du lịch của đất nước nói chung, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận: Số lượng khách tham quan đạt gần 800.000 lượt, trong đó có gần 50.000 lượt du khách nước ngoài.
“Để có được thành công đó có sự đóng góp không nhỏ từ các đối tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh, đặc biệt là các Công ty lữ hành và các hướng dẫn viên. Hội nghị hôm nay vừa để thể hiện sự tri ân, sự gắn kết thân thiết, đồng thời Bảo tàng Hồ Chí Minh rất muốn lắng nghe những ý kiến góp ý, chia sẻ, đề nghị từ phía đối tác để Bảo tàng có những phương án điều chỉnh phù hợp. Từ đó, có thể xây dựng chiến lược dài hạn trong việc thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng, đặc biệt là du khách người nước ngoài, góp phần tích cực vào việc quảng bá, phát huy các giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà: Trong những năm gần đây, mặc dù số lượng khách tham quan đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn đáng kể so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Nhiều đoàn khách đến tham quan Hà Nội, cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình không được sắp xếp vào tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, về phía Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều dịch vụ tiện ích còn chậm được áp dụng, chưa tập trung được vào một số đối tượng khách cụ thể, việc kết nối, chăm sóc các đơn vị lữ hành, các hướng dẫn viên còn chưa thường xuyên, liên tục, chưa thực sự hiểu rõ nhu cầu và nguyện vọng của khách tham quan.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đề cập đến thế mạnh của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, quảng bá, tăng cường liên kết, hợp tác, thu hút, đón và phục vụ khách tham quan trong nước cũng như quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức hội thảo kết nối các doanh nghiệp du lịch, các hướng dẫn viên với Bảo tàng Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết để hai bên hiểu nhau, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong việc đón khách tham quan.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng đề cập đến công tác truyền thông của Bảo tàng còn nhiều hạn chế, Bảo tàng Hồ Chí Minh cần có chính sách hỗ trợ để các Công ty lữ hành đưa khách vào viếng Lăng Bác được nhanh hơn, kịp thời gian vào thăm Bảo tàng; nghiên cứu điều chỉnh thời gian mở cửa đón khách, cần đẩy mạnh công tác maketing, truyền thông, quảng bá.
Một số ý kiến cho rằng: Hiện các Bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội như di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Văn Miếu- Quốc Tử Giám… đã luôn đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, xây dựng tour đêm, tạo nét riêng để thu hút khách, Bảo tàng Hồ Chí Minh cần liên kết hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, cần làm tốt công tác, nghiên cứu, xây dựng nội dung theo từng chuyên đề, chủ đề, cho từng đối tượng khách...
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Lê Hồng Nguyên- Công ty lữ hành Hanoitourist đề xuất: Để thu hút khách nhất là khách quốc tế, Bảo tàng Hồ Chí Minh cần làm tốt công tác thống kê khách quốc tế, quốc tịch, độ tuổi, thời điểm khách đến, xây dựng các nội dung, khai thác sâu các câu chuyện của hiện vật, lộ trình tham quan, các hoạt động trải nghiệm dành cho các đối tượng khách, thiết kế bộ nhận diện logo, tăng cường các biển báo, bổ sung hệ thống chiếu sáng, hệ thống giá đỡ hiện vật.
Đẩy mạnh chương trình xúc tiến, quảng bá theo từng chiến dịch, có hệ thống trang web chuẩn, tạo thuận lợi cho khách tìm kiếm, tăng cường kết nối với các cơ quan truyền thông. Chống xuống cấp hệ thống cơ sở dịch vụ, nơi đón tiếp, phục vụ khách tham quan.
“Bảo tàng Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các Bảo tàng, di tích trên địa bàn, các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn Hà Nội, Hiệp hội du lịch Việt Nam và Hà Nội , các Công ty lữ hành, hướng dẫn viên, Sở giáo dục đào tạo, các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch, các Hội, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội để góp phần đa dạng hóa các đối tượng khách cũng như đa dạng các hoạt động, góp phần xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn”, ông Nguyên nhấn mạnh.