Bước chân của nhà địa chất in dấu khắp nơi từ Bắc chí Nam, từ núi rừng đến biển đảo. Hành trang trong ba lô mỗi chuyến thực địa là búa, bút chì, nhật ký, máy ảnh, địa bàn…
Đặc điểm dễ nhận biết của anh làm địa chất là ăn chắc mặc bền, quần áo nhếch nhác, luôn luôn đi ngó nghiêng, quan sát, thấy đá là đập. Để có được những mẫu đá, mẫu quặng, họ phải vượt qua rất nhiều hiểm nguy. Mỗi chuyến thực địa luôn chứa đựng những bất ngờ.
Đói, rét, vật vạ ngủ ở bìa rừng, bờ suối là chuyện thường xuyên như cơm bữa đối với các nhà địa chất. Ốc sên, rau, măng rừng là những món đặc sản đối với mỗi nhà địa chất.
Gian nan là thế, đói là vậy nhưng nhà khoa học địa chất vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu nghề, yêu đời. Ông vẫn làm thơ với những ngôn từ giàu hình ảnh, mộc mạc gần gũi.
“Làm địa chất phải vượt núi băng sông/ Đầu đội rừng chân đạp mòn sỏi đá/ Lòng đất này là của con tất cả/ Cuộc hành trình xuyên đá mà đi...” là những câu thơ GS Trần Nghi viết về nghiệp địa chất của mình.
Làm nghề địa chất, GS Trần Nghi cho rằng giống như làm việc “bắt đất đá phải kể câu chuyện của mình”: Thầm lặng, bền bỉ, nhọc nhằn, kiên trì, nhưng cũng vô cùng thú vị với nhiều khám phá mới mẻ.
Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. |
Gặt hái hàng loạt thành tựu rực rỡ trong khoa học, ít ai nghĩ rằng GS Trần Nghi ở thời điểm chọn ngành học, ông đã vô cùng thất vọng vì phải học ngành Địa chất.
“Cách đây 50 năm, tôi đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời là lựa chọn tương lai nghề nghiệp cho mình khi vừa kết thúc bậc trung học. Và lẽ dĩ nhiên việc lựa chọn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm lý “bầy đàn”, chúng tôi cũng truyền nhau những câu tiên chỉ “nhất Y, nhì Dược…”.
Nhưng khi đó khác bây giờ là phải tuân theo sự phân công của tổ chức. Tôi được lựa chọn vào học ngành Địa chất. Khi đó tôi đã có tâm trạng vô cùng chán nản vì không được phân công học theo đúng nguyện vọng là ngành Y, Dược. Thế nhưng cuộc đời có nhiều điều kỳ lạ, biết đâu “mất ngựa lại là điều may”, càng học tôi càng thấy hấp dẫn.
Nghề địa chất đã lôi cuốn cả cuộc đời tôi đam mê sự nghiệp nghiên cứu khoa học và sự nghiệp trồng người. Nếu ai đó hỏi tôi để làm lại cuộc đời tôi chọn nghề gì để học tôi tự hào mà nói ngay rằng tôi chọn nghề địa chất”, GS Trần Nghi nhớ lại.
Có lẽ không có một nghề nào trong xã hội mà được đi nhiều và hiểu biết rộng như khoa học Trái đất. Nhờ Trái đất bao la và bí hiểm, nhờ mỗi quyển của Trái đất gìn giữ trung thành kho báu cho con người, nuôi sống con người nên đã hình thành một hệ thống khoa học rộng lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực như: Khí tượng - khí hậu, hải dương - thủy văn, địa lý, địa chính, địa chất khoáng sản, dầu khí, khoa học môi trường, địa chất môi trường và tai biến… Tất cả các lĩnh vực đó cấu thành “khoa học Trái đất”.
GS Trần Nghi cho biết, thời Pháp thuộc trong chương trình đào tạo ở đại học có môn Vạn vật học. Trong đó chỉ mới đề cập đến các kiến thức sơ lược về sinh vật, địa lý, địa chất.
Sau những năm 70, cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ của thế giới, khoa học cơ bản về Trái đất đã tiến những bước dài và giữ một vị trí then chốt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của mỗi quốc gia.
Khoa học Trái đất khám phá những bí mật vô tận của thiên nhiên để rồi tìm ra những quy luật về khoa học và tài nguyên thiên nhiên muôn hình muôn vẻ đang ẩn sâu trong lòng đất và khắp mọi nơi quanh ta.
Với những bạn trẻ muốn theo đuổi ngành này, trước hết phải có đam mê khám phá. Khoa học Trái đất là một bức tranh sinh động có tính không gian và thời gian. Mỗi một mảnh ghép của bức tranh là một ngành khoa học.
Tổng hòa của các mảnh ghép liên tục biến đổi để đạt tới một bức tranh có tính hệ thống và hoàn chỉnh. Đó chính là các lĩnh vực khoa học đơn tính nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, các hiện tượng tai biến thiên nhiên và các giải pháp giảm thiểu tai biến.
Theo hướng tiếp cận hệ thống, ngành này không chỉ đòi hỏi giỏi kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa mà phải có một chút năng lực về khoa học xã hội như Văn học và Lịch sử.
Bởi lẽ bức tranh hoàn hảo cuối cùng sẽ là nghiên cứu để góp phần vào một mô hình quy hoạch không gian của một lãnh thổ theo hướng phát triển bền vững lâu dài. Đất nước muốn phát triển nhanh sớm trở thành một quốc gia hội nhập quốc tế tất yếu phải được quy hoạch không gian bền vững.
“Hiện nay tôi có đôi chút lo ngại về nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực khoa học Trái đất quá yếu về chất lượng và quá thiếu về số lượng. Để khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đáng lo ngại này không thể một sớm một chiều làm được ngay và không chỉ là do các trường đại học phải thay đổi phương thức đào tạo hay hạ điểm chuẩn tuyển sinh.
Tôi cho rằng, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xã hội để mọi người nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng và sự hấp dẫn của khoa học Trái đất. Khi đó mỗi học sinh phổ thông mới đăng ký vào khoa học Trái đất với hoài bão và niềm tin một cách tự nguyện”, GS Trần Nghi trăn trở.